Từ hiệu quả tại mô hình điểm, mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tiếp tục được thành lập và ra mắt tại xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ) trong năm 2020.
Mô hình được thành lập tháng 11/2019 với 215 thành viên tham gia, gồm cả nam và nữ. Thời gian qua, Ban chủ nhiệm mô hình đã tổ chức sinh hoạt định kỳ với nhiều hình thức như: sinh hoạt theo các chuyên đề về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em; mời báo cáo viên cấp huyện tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Bên cạnh đó, tích cực phối hợp, cung cấp cho Công an xã danh sách những phụ nữ yếu thế, trẻ em gái bố mẹ đi làm ăn xa, có nguy cơ dễ bị tổn thương, xâm hại tình dục... để có biện pháp tuyên truyền, bảo vệ. Phối hợp Hội LHPN các cấp trong việc cung cấp tài liệu, tổ chức các hoạt động của mô hình; tổ chức đêm giao lưu truyền thông kiến thức an toàn cho phụ nữ, trẻ em, thu hút trên 1.000 hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia. Phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền cho các thành viên mô hình về công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tệ nạn xã hội (TNXH); lồng ghép tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội dung phòng, chống TNXH, tảo hôn; suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em; bạo lực học đường; VSATTP; vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch Covid-19...
Đồng chí Bùi Việt Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thành cho biết: Với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, mô hình đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; vận động hội viên tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về BĐG, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em tại địa bàn. Sau khi tham gia mô hình, nhận thức của hội viên, Nhân dân về an toàn đối với phụ nữ, trẻ em trong thôn được nâng lên rõ rệt. Người dân chủ động, mạnh dạn hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề tại địa phương, nhất là vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái. Chị em trở thành những tuyên truyền viên tích cực, tự tin chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ, bạo lực trẻ em. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng được nâng cao... Đặc biệt, sự quan tâm, đồng hành của các cấp Hội LHPN, địa phương và các tổ chức, đoàn thể đã góp phần làm nên thành công của mô hình. Năm 2020, thôn Lũ được công nhận làng văn hóa, 86% thành viên của mô hình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Sau 1 năm triển khai, cùng với sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH, mô hình điểm "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại thôn Lũ đã trở thành điểm sáng, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của hội viên, phụ nữ và cộng đồng. Hiệu quả của mô hình là cơ sở để Hội LHPN các cấp duy trì, nhân rộng, thành lập mới 35 mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong toàn tỉnh. Qua đó, năm 2020 đã tổ chức 374 buổi truyền thông cho trên 35.500 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em gái về phòng, chống mua bán người, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; 29 lớp tập huấn, 2 hội thi với trên 2.200 người tham gia, với những nội dung liên quan đến giới, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em..., góp phần thúc đẩy BĐG và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Thu Hằng