(HBĐT) - Câu chuyện về cậu học sinh tên M. khi đang học lớp 11, trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) đánh bạn đến mức vỡ xương hàm khi bị trêu đùa vào khoảng đầu tháng 3/2021 còn chưa hết "nóng” thì mới đây, trên mạng xã hội lại nóng lên thông tin về một vụ việc trên địa bàn TP Hòa Bình. Cụ thể là tại đoạn đường gần trụ sở mới của UBND thành phố đã xảy ra vụ "một nữ sinh bị đánh hội đồng”. Theo đó, học sinh nữ của một trường THCS trên địa bàn thành phố bị một nhóm 2 - 3 người đánh, dùng cả mũ bảo hiểm đập vào đầu...
Giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm
Qua tìm hiểu được biết, vụ việc trên xảy ra ngày 22/5/2021, thuộc địa bàn tổ 1, phường Thịnh Lang. Do có bất hòa nên cháu Ng.A.D (SN 2008) bị các cháu: Tr.P.U (SN 2008), hiện là học sinh lớp 7, trường TH&THCS Thống Nhất (phường Thống Nhất) và cháu M.P.T (SN 2009), hiện là học sinh lớp 6, trường TH&THCS Trung Minh (phường Trung Minh) đánh gây thương tích. Sau khi nhận được thông tin vụ việc, lực lượng chức năng địa phương đã khẩn trương xác minh, làm rõ. Căn cứ kết quả xác minh, do các cháu đang ở độ tuổi vị thành niên nên Công an phường Thịnh Lang đã lập hồ sơ giáo dục, mời phụ huynh đến trao đổi, cùng có biện pháp quản lý, giáo dục. Do gia đình của 3 cháu đã có biên bản xử lý theo hướng hòa giải nên phía cơ quan chức năng không đề cập giải quyết. Tuy nhiên, Công an phường Thịnh Lang cũng đã gửi thông báo đến chính quyền địa phương, nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục để không tái diễn hành vi trên.
Vụ việc chưa kịp lắng thì ngày 26/5, nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân vào hồi 11h15’ cùng ngày, tại đường Đà Giang thuộc địa bàn tổ 15, phường Phương Lâm, cháu Đ.Đ.H (SN 2005), học sinh lớp 10 trường PT DTNT THPT tỉnh bị một nhóm 9 thanh niên ở Hà Nội, gồm: Nguyễn Trương Tuấn Minh (SN 2004), trú tại khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình; Phạm Trịnh Tuấn Anh (SN 2005), trú tại số 189, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình; Tạ Trung Hiếu (SN 2006), trú tại Phúc Xá, Ba Đình; Hoàng Gia Huy (SN 2006), trú tại Bồ Đề, Long Biên; Trần Đình Khôi (SN 2003), trú tại Nguyễn Thái Học, Ba Đình; Đinh Khánh Cường (SN 2006), trú tại Kim Mã, Ba Đình; Lê Gia Huy (SN 2006), đường Sơn Tây, Kim Mã, Ba Đình; Nguyễn Minh Đức (SN 2004), trú tại Cửa Bắc, Ba Đình; Lê Gia Huy (SN 2006), đường Kim Mã, Kim Mã, Ba Đình đánh trọng thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc do trước đó, vào tối 25/5/2021, Lê Gia Huy (SN 2006), đường Kim Mã, Kim Mã, Ba Đình có mâu thuẫn, xô xát với Đ.Đ.H tại khu vực đường Đà Giang thuộc địa bàn phường Đồng Tiến. Sau đó, Huy đã gọi nhóm bạn từ Hà Nội lên để giải quyết mâu thuẫn với Đ.Đ.H bằng tay, chân và nắm đấm...
Đừng để chuyện nhỏ thành việc lớn
Trên thực tế, qua theo dõi, nắm bắt, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy chưa phải là vấn đề nổi cộm, nhưng vẫn có nhiều vụ việc xảy ra cả trong và ngoài nhà trường gây bức xúc dư luận xã hội. Như vụ học sinh lớp 8 cầm dao đâm bạn gây thương tích nặng ngay cổng trường; vụ Phạm Duy Đức (SN 1972), trú tại tổ 7, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đánh gây thương tích bé trai lớp 2 là bạn cùng lớp của con ngay tại cổng trường. Hay vụ 9 nam sinh từ Hà Nội lên Hòa Bình để giải quyết mâu thuẫn giúp bạn bằng nắm đấm như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để xử lý vấn đề này, cơ quan chức năng địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Do đối tượng vi phạm chủ yếu là học sinh đang trong độ tuổi vị thành niên. Hơn nữa, sau khi vụ việc xảy ra hầu như đều được các gia đình gặp gỡ, giải quyết thông qua hòa giải nên việc xử lý chủ yếu bằng các biện pháp hành chính, thông báo về địa phương, nhà trường, gia đình phối hợp giáo dục, quản lý. Theo thống kê của lực lượng chức năng, tính từ đầu năm đến ngày 1/6, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 16 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, 8 vụ người chưa thành niên có hành vi vi phạm cố ý gây thương tích.
Theo Trung tá Bùi Thị Thanh Hà, Đội phó Đội chuyên đề nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, các nhà trường tổ chức nhiều đợt, buổi tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên. Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả tích cực khi truyền tải được những thông điệp, kiến thức pháp luật đến với học sinh. Tuy vậy, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, có thể nảy sinh từ những mâu thuẫn nhỏ trong mối quan hệ, giao tiếp của các em. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, không để chuyện nhỏ phát sinh thành những mâu thuẫn lớn thì việc theo dõi, nắm bắt tâm lý, mối quan hệ của con em với bạn bè, quản lý, giáo dục con em từ môi trường nhà trường, gia đình là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Nếu gia đình quan tâm, quản lý, giáo dục con em tốt sẽ không có những đứa trẻ hư. Ngược lại, những đứa trẻ hư, thanh thiếu niên phạm tội hầu hết đều không được sự quan tâm, quản lý, giám sát, giáo dục một cách đầy đủ. "Gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho các em mà còn là nơi quản lý, phòng ngừa những vi phạm pháp luật, nhất là đối với các em còn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Để công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đạt hiệu quả cao cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục các em một cách sâu sát, chặt chẽ ngay từ chính mỗi nếp nhà” - Trung tá Bùi Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Mạnh Hùng