Mô hình chăn nuôi của bà Khà Thị Lận, xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu) cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm.
Thăm mô hình chăn nuôi của bà Khà Thị Lận, xóm Củm, bà cho biết: "Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, ai trong xóm có việc gì thì tôi làm thuê, mướn nhưng vẫn không đủ ăn, kinh tế gia đình rất khó khăn. Được tiếp cận nguồn vốn chính sách năm 2008, tôi mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Tiếp đó, tôi vay thêm 50 triệu đồng để tăng đàn, đồng thời nuôi thêm bò, xây ao cá, đến nay đã có 20 con lợn, 6 con bò, 400 m2 ao cá, thu nhập bình quân mỗi năm 60 - 70 triệu đồng, thoát nghèo bền vững, đời sống được cải thiện hơn trước nhiều”.
Xóm Củm, Nghẹ là những xóm sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả cao. Ông Khà Đức Việt, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Củm cho biết: "Các khoản vay của thành viên tổ TT&VV chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất - kinh doanh, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường. Sau khi rà soát, các khoản vay được quản lý chặt chẽ bằng sổ sách, ghi chép chi tiết. Nhiều hộ sau khi được tiếp cận với khoản vay đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết được việc làm, số hộ nghèo trong xóm giảm dần qua từng năm. Bên cạnh đó, mỗi khi gần đến hạn, các hộ đều được thông báo, nhắc nhở, do đó không có nợ xấu, nợ quá hạn, các khoản vay phát huy hiệu quả”.
Hiện, toàn xã có 12 tổ TK&VV từ Ngân hàng CSXH tại 6/6 xóm, tổng dư nợ 15,6 tỷ đồng; 6 tổ vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT, tổng dư nợ 8,6 tỷ đồng. Các ngành, đoàn thể cũng nhận vay ủy thác cho các hội viên nhằm giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, các khoản vay sản xuất - kinh doanh, hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất, được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, đào ao thả cá, kinh doanh dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Đồng chí Vì Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cùng với các ngành, đoàn thể, xã tích cực giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, qua kinh nghiệm của các hộ làm ăn hiệu quả định hướng xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp, giúp người dân có thêm kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Các nguồn vốn được quản lý thông qua tổ TK&VV, vốn vay sử dụng đúng mục đích”.
Bên cạnh việc quản lý các nguồn vốn vay, các tổ TK&VV còn hướng dẫn người dân quy trình, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, giải quyết vấn đề phát sinh; tư vấn cho người dân hướng phát triển mô hình phù hợp với điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; thăm quan các mô hình, chia sẻ kinh nghiệm để nguồn vốn được phát huy hiệu quả tốt nhất. Năm 2019, thu nhập bình quân toàn xã đạt 26 triệu đồng/ người, đến nay đạt 32 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% năm 2019 giảm còn 3%.
Hoàng Anh
(HBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài từ năm 2020 đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Kim Bôi vẫn đạt được hiệu quả cao nhờ quá trình triển khai, thực hiện có sự linh hoạt, chủ động, sát với nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động.