(HBĐT) - Là địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, huyện Lương Sơn đang đối mặt với những nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 từ Hà Nội - một trong những địa phương liên tục có ca mắc Covid-19 tại cộng đồng trong những ngày vừa qua. 

 


Cán bộ chốt kiểm dịch thôn Bá Lam, xã Thanh Cao (Lương Sơn) đo thân nhiệt và hướng dẫn người vào địa bàn khai báo y tế. 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, ngày 23/7, trên địa bàn huyện ghi nhận 1 ca dương tính trong cộng đồng là người từ TP Hồ Chí Minh trở về địa phương. Cụ thể: Bệnh nhân T.V.V, sinh năm 2000, địa chỉ thôn Đa Sỹ, xã Thanh Cao. Yếu tố dịch tễ: Bệnh nhân trở về từ TP Hồ Chí Minh từ ngày 21/7, cách ly tại nhà. Ngày 23/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đã được đi cách ly tại UBND xã Hợp Hòa cũ, đến chiều 23/7 đã chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, cách ly. Qua công tác truy vết, đến nay, đã rà soát được 15 trường hợp là F1 và đã lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ca dương tính F0 tại cộng đồng, xã Thanh Cao cũng là một địa bàn giáp ranh với TP Hà Nội - địa bàn liên tục có ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, nguy cơ cao dịch Covid-19 có thể thẩm thấu vào địa bàn qua các tuyến đường liên xã và các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Thanh Cao cho biết: Hàng ngày, trên địa bàn xã có hàng nghìn phương tiện thường xuyên qua lại. Trên địa bàn xã cũng có chợ dân sinh nhỏ lẻ và chợ Bến chuyên kinh doanh thuốc Nam, mỗi tháng họp 3 lần, tập trung khá nhiều tiểu thương đến giao dịch, mua bán. Xã có nhiều thôn tiếp giáp trực tiếp với xã bạn và có đường mòn, lối mở liên thông. Thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 của UBND huyện, xã đã thành lập một chốt kiểm dịch đặt tại thôn Bá Lam, với lực lượng chính là Công an, Y tế, Quân sự xã để kiểm soát người qua lại trên địa bàn. Tuy nhiên, chốt này chủ yếu đo thân nhiệt và khai báo y tế trên tuyến chính còn với các đường mòn, lối mở, các chợ đầu mối thì không thể kiểm soát được. 

Còn tại xã Liên Sơn, với gần 10 km đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn, tiếp giáp trực tiếp với một số xã của huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, khu vực này trở thành điểm dừng nghỉ của nhiều tuyến xe khách đường dài. Trong khi đó, việc kiểm soát người ra vào các nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên tuyến đường này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. 

Thực tế trên không chỉ xảy ra ở riêng xã Thanh Cao, xã Liên Sơn mà là tình trạng chung của nhiều xã giáp ranh với TP Hà Nội trên địa bàn huyện Lương Sơn. Theo đánh giá của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện Lương Sơn: Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông chính, các đường mòn, lối mở, có lượng người và phương tiện giao thông đi lại rất lớn, thường xuyên đi ra, vào địa bàn  xã, thị trấn thuộc các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ngoài ra, tại Khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn hiện có hơn 12 nghìn lao động đang làm việc, trong đó, hơn 60% là người từ địa bàn TP Hà Nội vào. Cùng với đó, rất nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh nằm xen ghép tại các khu vực giáp ranh giữa huyện Lương Sơn và các xã, thị trấn thuộc địa bàn TP Hà Nội. Hàng ngày, lượng tiểu thương đến buôn bán rất lớn. Lương Sơn cũng là một địa bàn khá nhiều Resort, khu nghỉ dưỡng, cuối tuần thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trong đó, chủ yếu là khách từ TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn là rất cao.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao độ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về công tác phòng, chống dịch theo đúng phương châm "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết. Ưu tiên phòng, chống dịch là nhiệm vụ tiên quyết, UBND huyện Lương Sơn đã quyết định tiếp tục dừng một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu để phục vụ công tác chống dịch. Đặc biệt, ngày 23/7, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ngay các chốt kiểm soát tại các lối ra, vào các chợ đầu mối, chợ trung tâm. Tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh tại các chợ thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế và đặc biệt phải đeo khẩu trang. Lập danh sách, thực hiện cấp thẻ ra vào đối với các tiểu thương là người địa phương. Các tiểu thương người ngoài địa phương phải có bản cam kết không đến từ các vùng dịch. Tạm dừng kinh doanh đối với các tiểu thương là người đến từ vùng dịch ở các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, UBND huyện Lương Sơn cũng đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tại các KCN phải có kế hoạch đưa, đón công nhân, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. 

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện, với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, huyện sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Để phòng, chống dịch, thời gian vừa qua, UBND huyện đã thành lập 12 chốt kiểm soát tại tất cả các tuyến đương dọc tuyến giáp ranh với TP Hà Nội đi vào địa bàn huyện. Hàng trăm lượt cán bộ trực chốt canh gác hàng ngày, nhưng các chốt mới chỉ dừng ở việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, vì vậy, việc người từ các địa bàn TP Hà Nội đi vào huyện vẫn rất khó kiểm soát. Công nhân làm việc tại KCN Lương Sơn vẫn thường xuyên đi lại giữa TP Hà Nội và Lương Sơn mà không có sự kiểm soát.

Chính vì vậy, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho rằng, tỉnh cần hỗ trợ huyện trong việc thiết lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn. Nâng mức kiểm soát để có thể kiểm soát, phân loại phương tiện, người đến từ các vùng có dịch. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất ăn nghỉ tại chỗ cho công nhân, hạn chế tối đa việc công nhân di chuyển qua lại liên tục từ vùng có dịch đến địa bàn huyện. 


 Đ.H

Các tin khác


Hiệu quả từ các hoạt động Dự án VIE071

Sau 3 năm triển khai (2021 - 2024), dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) trên địa bàn tỉnh. Mô hình sau khi đưa vào hoạt động đã, đang tăng cường sự tham gia của NCT trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng nhu nhập… trong cộng đồng xã hội. Từ đó nhanh chóng thích ứng với xu hướng già hóa dân số, đồng thời giúp NCT sống vui - khỏe - hạnh phúc.

Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục