Đàn bò thả rông trên đường đê Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Chị Trần Thị Thùy Linh, thị trấn Bo (Kim Bôi) cho biết: "Tại tỉnh lộ 12B, mỗi khi tôi đi làm về thường hay gặp đàn trâu thong dong đi trên đường. Lúc đó, bắt buộc người tham gia giao thông đều phải giảm tốc độ để nhường đường cho đàn trâu. Có hôm tôi chứng kiến tình huống xe tải phanh gấp khi con nghé bất chợt băng qua đường, gây mất an toàn".
Trên địa bàn thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy), tình trạng thả rông gia súc trên các tuyến đường cũng khá phổ biến. Chị Bùi Hạnh, thị trấn Hàng Trạm chia sẻ: "Ngay ở thị trấn, người tham gia giao thông thấy khó chịu khi trên đường xuất hiện phân bò, phân trâu rất hôi thối và mất vệ sinh. Thường xe máy còn có thể tránh được chứ ô tô tùy trường hợp sẽ phải chấp nhận cán bánh xe qua rất mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường”.
Ngoài các huyện, ở TP Hòa Bình vẫn bắt gặp hình ảnh đàn trâu lững thững đi trên đường, như ở đường Trương Hán Siêu, nhất là tuyến đường đê Quỳnh Lâm, từng đàn trâu, bò với số lượng có khi lên đến 50 con đủng đỉnh "tham gia giao thông”, dàn hàng, lấn chiếm đường. Anh Lê Gia Long, phường Đồng Tiến cho biết: Mỗi khi đi trên đê Quỳnh Lâm đều phải lách để né những bãi phân trâu, bò bị xe cán nát ra đường. Có lần do tránh con bò đang chạy sang đường tôi phanh gấp nên bị ngã xe. Anh bức xúc: "Hôm đó rất may không bị thương nặng nhưng tôi phải tốn gần 3 triệu đồng đi chụp chiếu, mua thuốc và sửa xe. Hỏi xung quanh cũng không biết bò nhà ai để yêu cầu họ chịu trách nhiệm. Từ đó trở đi, cứ gặp gia súc trên đường tôi đi thật chậm hoặc dừng hẳn nhường chúng đi qua trước. Không biết từ bao giờ mà người tham gia giao thông phải ưu tiên nhường đường cho gia súc”.
Không chỉ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, việc thả rông gia súc trên đường còn vi phạp pháp luật và có quy định rõ ràng về chế tài xử phạt. Tại khoản 2, Điều 35, Luật Giao thông đường bộ quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ, theo điểm 1 và điểm 2, Điều 34, Luật Giao thông đường bộ, cần phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo khoản 2, Điều 10, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng.
Những hiểm họa, nguy cơ và tai nạn xảy ra do gia súc thả rông trên đường là không thể phủ nhận. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng thả rông gia súc trên đường. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi nhận thức được các mối nguy hiểm từ việc thả rông gia súc trên đường, góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra.
Mai Anh (TTV)