(HBĐT) - Lương Sơn là địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội - địa phương có dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (PCD) bệnh, huyện đã triển khai hàng loạt biện pháp, trong đó, quyết liệt nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 27/7 - 8/9, hiện vẫn thực hiện ở những vùng giáp ranh Hà Nội.
Chưa kể thời gian PCD Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 40 ngày toàn huyện thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Một tiểu thương tại chợ trung tâm huyện cho biết, trong điều kiện thực hiện giãn cách, người vay vốn ngân hàng kinh doanh không được nhưng lãi và gốc vẫn phải đóng đều, chậm nộp 1 ngày phải đóng thêm tiền phạt, càng chậm lâu càng phải đóng phạt nhiều. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng nhằm thoát khỏi tình hình khó khăn này.
Theo đánh giá của huyện, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình SXKD của các DN gặp nhiều khó khăn, thách thức, không nhập được nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Cùng với đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân cũng gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá bán thấp… Vì vậy, trong giai đoạn này rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các ngân hàng trên địa bàn nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, DN đang vay vốn để SXKD.
Trên địa bàn huyện hiện có một số chi nhánh ngân hàng đang hoạt động như: Agribank Hoà Bình, BIDV Hoà Bình, LienvietPosBank, Ngân hàng CSXH… Tổng nguồn vốn huy động các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 1.900 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay 1.100 tỷ đồng, trong đó, dư nợ ngắn hạn 500 tỷ đồng, dư nợ trung và dài hạn 600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 0,9%.
Để hỗ trợ khách hàng vay vốn trong bối cảnh khó khăn, thực hiện các chỉ đạo của tỉnh cũng như hội sở chính, các ngân hàng tập trung triển khai hỗ trợ lãi suất nhằm chung tay chia sẻ với người dân, DN trong công tác PCD Covid-19. Như Agribank Hòa Bình chi nhánh Lương Sơn cơ cấu nợ cho 16 khách hàng, dư nợ 29,3 tỷ đồng; cơ cấu nợ theo Nghị định số 55 là 38 khách hàng, dư nợ 11,9 tỷ đồng…
Theo đồng chí Trịnh Đức Thắng, Giám đốc Agribank chi nhánh Lương Sơn, nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn sớm ổn định SXKD, vượt qua khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng thời thực hiện đúng theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Agribank tại Công văn số 6338/NHNo-TD, ngày 14/7/2021 về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng do dịch Covid-19, số lượng khách hàng giảm lãi trên địa bàn huyện là 5.915 lượt, dư nợ giảm lãi 589 tỷ đồng, số tiền giảm lãi đến tháng 8 gần 700 triệu đồng, dự kiến đến ngày 31/12/2021 trên 3 tỷ đồng.
Cũng theo đồng chí Trịnh Đức Thắng, hiện Agribank chi nhánh Lương Sơn cũng như các chi nhánh ngân hàng khác trên địa bàn huyện đang triển khai những nội dung liên quan Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định tại Thông tư số 01. Đồng thời, sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi phát sinh từ ngày 23/1/2020 - 30/6/2022, thay vì từ ngày 23/1/2020 - 31/12/2021 theo quy định tại Thông tư số 01.
Những hỗ trợ, sẻ chia khó khăn bằng nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời từ phía ngân hàng sẽ làm giảm bớt khó khăn cho người dân, DN trên địa bàn huyện Lương Sơn trong thời gian tới.
Hồng Trung