Công ty TNHH may xuất khẩu DHF, xã Đú Sáng (Kim Bôi) duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 50 lao động.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch giải quyết việc làm, triển khai thực hiện các văn bản của T.Ư, của tỉnh và xây dựng các văn bản triển khai tuyển lao động phổ thông, tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đặc biệt là phối hợp tốt với các công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm và công tác xuất khẩu lao động. Trong 9 tháng năm nay, huyện đã tạo việc làm mới cho 1.579 lao động, trong đó có 15 lao động đi làm việc tại thị trường nước ngoài; 1.564 lao động làm việc trong nước, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp.
Góp phần thúc đẩy tạo việc làm tại chỗ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện điều tra nhu cầu học nghề, tổ chức các hội nghị tư vấn học nghề cho lao động nông thôn. Trong năm, đơn vị mở 5 lớp đào tạo nghề cho 132 lao động, gồm 2 lớp nghề mây tre đan tại xã Kim Bôi, Xuân Thủy, 1 lớp chăn nuôi gà hữu cơ tại xã Hợp Tiến, 1 lớp sơ cấp kỹ thuật may công nghiệp tại xã Kim Lập và 1 lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi tại xã Hùng Sơn. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân huyện phối hợp với các công ty giống cây trồng mở 34 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.587 lượt người tham gia.
Đảm bảo các chế độ, chính sách đối với người lao động, huyện đã giải quyết chế độ cho 5 trường hợp là đối tượng F1 hoàn thành cách ly y tế với tổng kinh phí 5,2 triệu đồng. Chi trả chính sách cho 11 người thuộc đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, trong đó có 8 người đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, với tổng kinh phí 50,81 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm cho 65 đơn vị.
UBND huyện vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động, việc làm, phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19. Quá trình kiểm tra tại 4 doanh nghiệp, gồm: Chi nhánh công ty CP may xuất nhập khẩu SMAVINA Việt Hàn - Xí nghiệp may số 1 huyện Kim Bôi (xã Kim Lập); Công ty CP may xuất khẩu DNA Việt Nam (thị trấn Bo); Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi (xã Đông Bắc); Công ty TNHH may xuất khẩu DHF (xã Đú Sáng), đoàn nắm bắt được tình hình lao động, việc làm của người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động của các đơn vị này ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bình quân mỗi doanh nghiệp thu hút khoảng trên 100 lao động.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, đa số lao động bị mất việc làm thuộc các công ty đứng chân trên địa bàn có hoạt động về du lịch, như chi nhánh Công ty TNHH MTV du lịch Công đoàn Việt Nam, Công ty CP đầu tư Lạc Hồng… Hiện nay, các doanh nghiệp này bắt đầu mở cửa hoạt động, người lao động cũng đã trở lại làm việc. Qua đó, giảm áp lực lao động mất việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bùi Minh