Cán bộ Sở NN&PTNT và huyện Mai Châu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Vạn Mai.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh: Từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 38 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố (Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi, Cao Phong, TP Hòa Bình) với tổng số lợn tiêu hủy gần 4.000 con, trọng lượng tiêu hủy trên 225 tấn. Hiện còn 20 xã thuộc 5 địa phương chưa qua 21 ngày, gồm: Yên Thủy 8 xã, Kim Bôi 2 xã, Lạc Sơn 3 xã, Mai Châu 4 xã, TP Hòa Bình 3 xã. Trong các địa phương thì tình hình dịch bệnh tại huyện Yên Thủy và Mai Châu đang diễn biến phức tạp. Đối với huyện Yên Thủy, tính đến cuối tháng 10/2021, DTLCP tái xuất hiện tại 8 xã, thị trấn với 2 đợt bùng phát dịch bệnh. Cụ thể, đợt 1 phát sinh từ tháng 2 - 5/2021, dịch xuất hiện tại xã Lạc Sỹ và thị trấn Hàng Trạm với 51 con lợn phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 3 tấn; đợt 2, từ tháng 8 đến nay với 8 xã, thị trấn có dịch, gồm: Hữu Lợi, Đoàn Kết, Phú Lai, Yên Trị, Lạc Sỹ, Ngọc Lương, Lạc Thịnh, thị trấn Hàng Trạm. Tổng lợn tiêu hủy 1.645 con, trọng lượng hơn 84 tấn, với 285 hộ bị thiệt hại.
Tại huyện Mai Châu, từ cuối tháng 4 đến nay, DTLCP xuất hiện tại 6 xã, gồm: Đồng Tân, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Thành, Chiềng Châu, làm chết 835 con lợn, trọng lượng tiêu hủy hơn 54,6 tấn. Qua ghi nhận thực tế tại xã Mai Hạ và Vạn Mai (Mai Châu) có thể thấy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, người chăn nuôi không thực hiện nghiêm các biện pháp về dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh. Theo lãnh đạo huyện Mai Châu, DTLCP bùng phát khiến đàn lợn trên địa bàn huyện giảm sút đáng kể, dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước những diễn biến phức tạp của DTLCP, vừa qua, đoàn công tác của Sở NN&PTNT tổ chức đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại 2 huyện Tân Lạc, Mai Châu. Qua kiểm tra thực tế, đoàn chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh bùng phát và tái bùng phát như thời gian qua. Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Ở những địa phương này, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp. Việc quản lý tái đàn chưa được thực hiện tốt, nhiều hộ tái đàn khi dịch bệnh chưa qua 90 ngày theo quy định, nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Một yếu tố rất quan trọng trong chăn nuôi là đảm bảo an toàn sinh học, nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi chưa thực hiện được; thậm chí điều kiện chăn nuôi còn khá sơ sài, ô nhiễm là điều kiện để virus DTLCP phát triển. Một nguyên nhân nữa, theo đồng chí Chi cục trưởng là việc sử dụng lợn phối giống trực tiếp đi từ địa bàn này sang địa bàn khác cũng vô tình trở thành vật trung gian truyền bệnh.
DTLCP chưa có vắc xin điều trị nhưng không phải không chống được. Minh chứng là trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi lợn nhưng nhiều năm nay, các trại lợn này vẫn an toàn trước DTLCP. Để phòng, chống DTLCP, người chăn nuôi cần quan tâm đến việc tiêm phòng cho đàn lợn, lựa chọn lợn giống có nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Những địa phương có dịch cần tiêu hủy kịp thời lợn mắc bệnh, tránh nguy cơ lây lan diện rộng; không thực hiện tái đàn trong thời gian còn dịch.
Viết Đào