Học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) xem tranh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực trẻ em tại ngày hội truyền thông "Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực".
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được đổi mới, đa dạng, sáng tạo với những thông điệp cụ thể, ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của người dân. Trong đó không thể không nhắc đến ngày hội truyền thông "Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực" do Sở LĐ-TB&XH phối hợp Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC), UBND TP Hòa Bình, Hội đồng Đội tỉnh và các đối tác liên quan tổ chức. Trong khuôn khổ chương trình, giáo viên, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng cùng phụ huynh được xem clip truyền thông về lan tỏa yêu thương, chấm dứt trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; chia sẻ những câu chuyện của bản thân từng bị bố mẹ trách phạt khi mắc lỗi; nghe chuyên gia chia sẻ về phương pháp giáo dục tích cực, lan tỏa yêu thương trong gia đình; thi Rung chuông vàng tìm hiểu về Luật Trẻ em… Qua đó hướng đến cách dạy con tích cực để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân, phát huy những tố chất, khả năng riêng.
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Với quan niệm dân gian "thương cho roi cho vọt” mà nhiều bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, các thầy, cô giáo trong trường học đã sử dụng những hình phạt không tích cực đó là xâm hại đến thể chất của trẻ em như đánh đập, làm ảnh hưởng đến sức khỏe khi trẻ không nghe lời hoặc mắc lỗi. Đó là tình trạng không phổ biến nhưng vẫn xảy ra trong một số gia đình, cộng đồng cũng như trong trường học. Bạo lực không có tác dụng trong việc giúp trẻ nên người mà phải bằng các hình thức giáo dục tích cực. Nếu sử dụng các hình thức bạo hành hoặc bạo lực với trẻ sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa cha mẹ, thầy cô hay người lớn đối với trẻ, trẻ có thể mắc những sai lầm mà không có định hướng tốt. Ngày hội truyền thông "Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực" được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy, cô giáo trong việc ứng xử với trẻ hàng ngày, từ gia đình đến môi trường giáo dục trong nhà trường có được phương pháp giáo dục tích cực, để trẻ phát triển toàn diện trong môi trường phù hợp nhất”.
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, trang Fanpage H.B.H.B đăng tải thông tin, hình ảnh, clip vụ việc các nữ sinh đánh nhau. Bài đăng ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Nhân vật chính trong clip là 1 nữ sinh bị 2 nữ sinh khác ra sức hành hung. Nơi xảy ra vụ việc được cho là khu vực gần cổng trường TH&THCS Cù Chính Lan (TP Hòa Bình).
Các hành vi bạo lực đối với trẻ em không chỉ là đánh đập, bạo hành về thể chất mà còn có cả bạo lực về tinh thần với những lời nói chê bai, mắng mỏ, hăm dọa…, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp và để lại hậu quả về thể chất, tổn thương về tinh thần, tâm lý… cho trẻ. Để góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực ở trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em.
Linh Nhật