Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Thủy trao bò giống cho hộ ông Bùi Văn Tư, xóm Thịnh Minh, xã Bảo Hiệu.
Đồng chí Trần Hữu Hậu, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết: "Được sự chỉ đạo của tỉnh Hội, mô hình "Ngân hàng bò” qua hơn 8 năm đã phát triển rộng khắp, mang lại nguồn sinh kế, thắp lên hy vọng, đem đến cơ hội thoát nghèo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đây là mô hình sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, có thể tự mở rộng theo thời gian, qua đó ngày càng có nhiều người nghèo được tiếp cận, hỗ trợ”.
Bắt đầu xây dựng kế hoạch từ năm 2014, triển khai chương trình từ năm 2015, với 13 con bò giống, trị giá 156 triệu đồng từ kinh phí Hội và các mạnh thường quân đóng góp, đến nay đã phát triển lên 42 con bò, tổng trị giá 615 triệu đồng. Các hộ trong diện thụ hưởng được nhận bò giống về nuôi, chăm sóc. Nếu đẻ lứa đầu là giống đực, Hội thu về bán, mua giống cái tiếp tục trao cho các hộ khác. Nếu lứa đầu là giống cái, bê cái được chuyển giao cho hộ khác trong xóm, hộ thụ hưởng được sở hữu bò giống. Cứ liên tục như vậy, mô hình ngày càng được mở rộng, số lượng bò tăng theo từng năm, mô hình đến với nhiều người nghèo trên địa bàn, giúp các hộ có nguồn sinh kế, công cụ lao động, cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Để chương trình đạt hiệu quả bền vững, mô hình nhân rộng mạnh mẽ, Hội đã cùng các địa phương rà soát, lựa chọn đối tượng phù hợp để hỗ trợ bò giống. Các hộ được lựa chọn là những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ neo đơn nhưng phải có sức lao động, đảm bảo chuồng trại chăn nuôi, cán bộ Hội sẽ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bò. Bò giống được mua từ nguồn uy tín, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, đảm bảo chất lượng con giống. Hộ được hỗ trợ trồng thêm cỏ voi, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Ông Bùi Văn Tư, xóm Thịnh Minh, xã Bảo Hiệu được nhận bò giống cho biết: "Được Hội CTĐ huyện và các ban, ngành quan tâm, hỗ trợ bò giống tôi rất phấn khởi. Tôi dự định dùng số tiền tiết kiệm xây chuồng trại kiên cố, chăm nuôi cẩn thận để bò khỏe mạnh, sinh trưởng trong những năm tiếp theo, gia đình có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.
Mô hình được triển khai rộng khắp địa bàn huyện, trong đó, các xã: Bảo Hiệu, Ngọc Lương, Đa Phúc… được hỗ trợ nhiều bò giống. Đồng chí Lê Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết: "Từ khi chương trình được triển khai, số lượng bò ở xã từ 3 con đã phát triển lên 8 con với 8 hộ được thụ hưởng. Các hộ được bình xét là những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, neo đơn nhưng có sức lao động, biết cách chăn nuôi. Xã đã cử cán bộ, người có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bò đến từng hộ hướng dẫn thường xuyên, quản lý tốt mô hình, nhờ đó đàn bò sinh trưởng khỏe mạnh, nhiều hộ thoát nghèo bền vững”.
Đến nay, chương trình được triển khai đến 11 xã, thị trấn trên địa bàn, giúp hàng trăm hộ khó khăn có nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập trang trải cuộc sống. Hội đã ra nghị quyết phấn đấu mỗi năm có từ 3 - 5 hộ được tiếp cận với mô hình. Cứ mỗi con bò được nhân giống là một hộ nghèo có thêm cơ hội tiếp cận mô hình. Mô hình "Ngân hàng bò” đậm tính nhân văn sâu sắc, đem lại hiệu quả thiết thực, hướng đến đối tượng yếu thế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Để mô hình tiếp tục được nhân rộng rất cần sự chung tay, hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm và toàn xã hội, đóng góp thêm nhiều nguồn lực, mang đến những hy vọng cho người nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Hoàng Anh