(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) vào những ngày cuối tháng 4. Trên các con đường vào khu dân cư hoa được trồng đẹp mắt, cờ đỏ sao vàng tung bay chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Để có được những con đường hoa sạch, đẹp có phần đóng góp của hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Thị Thảo, Chủ tịch HLHPN thị trấn Mãn Đức cho biết: Được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính xã Mãn Đức, thị trấn Mường Khến và xã Quy Hậu cũ. Toàn thị trấn có 27 chi hội trên 27 khu, trong đó, tỷ lệ nữ chiếm trên 52%, tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 3.258 người, phụ nữ tham gia sinh hoạt hội là 2.302 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút 70,6%. Là địa bàn rộng, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn. Vượt lên tất cả, cán bộ, hội viên luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Hội cấp trên và địa phương phát động, đóng góp có hiệu quả vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong quan trọng trong tham gia phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu từ nông, lâm, thuỷ sản sang tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại. Nhiều nữ chủ sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, hình thức kinh doanh, tiếp cận thị trường… phù hợp với quá trình phát triển của thị trấn, góp phần tăng cơ hội tạo việc làm cho lao động nữ. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả, buôn bán hàng hóa, dịch vụ xe du lịch của gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, khu Tân Thịnh. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, khu Hồng Dương. Mô hình trồng bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Viên, khu Tân Phong. Mô hình kinh doanh của gia đình chị Bùi Thị Nhân, khu Mường Định... Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, điển hình như: Mô hình trồng cây ăn quả gia đình chị Nguyễn Thị Viên, khu Tân Phong; mô hình nuôi gà của đình chị Nguyễn Thị Xuân, khu Hồng Dương; mô hình sản xuất gạch bi, nguyên vật liệu xây dựng của gia đình chị Nguyễn Thị Bắc, khu Tân Hợp và nhiều mô hình khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn thị trấn có 36 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đến 400 triệu đồng/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, phụ nữ thị trấn Mãn Đức có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Là lực lượng quan trọng trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chị em tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Điển hình đã có 12 nữ tham gia Đại hội thể dục, thể thao huyện Tân Lạc và có 4 chị đạt giải nhất; 5 chị đoạt giải nhì và 4 chị đoạt giải ba, góp phần tích cực vào những thành tựu nổi bật của thị trấn trong những năm qua.
Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội đã tổ chức tuyên truyền tới 27/27 chi hội về cách phòng tránh dịch trên loa phát thanh của các xóm; thường xuyên chia sẻ, cập nhật trên trang facebook, zalo, cài đặt ứng dụng BlueZone, hướng dẫn cán bộ hội viên thực hiện tốt các chỉ thị, văn bản của cấp trên về chống dịch Covid-19. Trong thời gian cách ly toàn xã hội, Hội LHPN thị trấn đã vận động hội viên phụ nữ quyên góp tiền, may khẩu trang miễn phí tặng cho phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn thị trấn. Hội LHPN thị trấn được Hội LHPN huyện khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Với những nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên phụ nữ, trong những năm qua, trước khi sáp nhập, Hội LHPN xã Mãn Đức, thị Trấn Mường Khến và xã Quy Hậu đã được các cấp Hội và địa phương tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen về những thành tích đạt được trong thực hiện phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội. Nhiều năm liên tục được Hội LHPN huyện đánh giá, xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
P.V