Đoàn phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) phối hợp tuyên truyền kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng bơi an toàn - phòng, chống đuối nước cho học sinh trường THCS Lý Tự Trọng.
Hòa Bình là địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ, ngầm, đập tràn, khu vực nước sâu nguy hiểm, mùa mưa bão nước dâng cao, một số ngầm nước chảy xiết rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Vào mùa hè, thời tiết oi nóng, đây là những nơi trẻ em thường lựa chọn làm địa điểm vui chơi, giải trí, tắm mát hạ nhiệt. Tuy nhiên, những thú vui trên luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và thực tế đã có không ít vụ việc thương tâm trẻ em tử vong do đuối nước. Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 81 điểm vui chơi cho trẻ em, chiếm 53,6% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em. Thiếu sân chơi an toàn trẻ em phải chơi ở bất kỳ chỗ trống nào như vỉa hè, đường phố, công trình xây dựng, ao, hồ… dễ xảy ra tai nạn thương tích.
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến ngày 15/8, toàn tỉnh có 16 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2 vừa qua có 2 trẻ, cả 2 vụ tai nạn đều xảy ra ngày 11/8. Một trường hợp tại xóm Nhả, xã Hợp Thành (TP Hòa Bình), nạn nhân là cháu N.M.H (SN 2012). Nguyên nhân được xác định do mưa lớn khiến ruộng và đường nội đồng ngập sâu, cháu N.M.H cùng bạn đi chơi, đến vị trí ruộng bị ngập, vì không xác định được lối đi nên nạn nhân trượt chân ngã xuống. Một trường hợp xảy ra tại khu vực Thung Bương giáp khu vực đền Mẫu, khu di tích chùa Tiên, thôn Lão Ngoại, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), nạn nhân là cháu H.T.U (SN 2018), thường trú tại thôn An Ninh, xã Phú Nghĩa. Nguyên nhân được xác định do cháu bé đi chơi quanh khu vực cầu Thung Bương, trời mưa khiến nước ngập cầu, cháu bé bị trượt chân ngã xuống dòng nước. Lúc đó không có người dân qua lại quanh khu vực hiện trường.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra trong môi trường nước, các giải pháp, hoạt động cụ thể, nhưng thực trạng đuối nước ở trẻ em vẫn diễn ra. Ngoài những văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em...; in và cấp phát 32.500 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích "Đuối nước có thể lấy đi cuộc sống của chúng ta” cho các huyện, thành phố…
Trong thời gian tới, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi cá nhân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo về phòng, chống thiên tai mà các cấp, ngành, địa phương đã hướng dẫn, cảnh báo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Cùng với đó, phụ huynh, những người chăm sóc trẻ luôn phải cẩn trọng bảo vệ con em mình trước hàng loạt hiểm họa mùa mưa lũ rình rập đe dọa tính mạng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trước diễn biến phức tạp của thiên tai trên địa bàn tỉnh, việc trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng ứng phó là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt là các bậc phụ huynh, thành viên trong gia đình, những người chăm sóc trẻ phải quản lý, giám sát con em chặt chẽ hơn nữa, không để trẻ vui chơi, bơi lội hoặc di chuyển trong nước lũ, không lội qua suối khi nước chảy xiết, không chơi đùa gần sông, suối, mương, ngầm, đập tràn, khu vực nước sâu… Đồng thời trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, an toàn trong môi trường nước, cách sơ, cấp cứu, cứu đuối, kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước…
Linh Nhật