Ngay sau khi được tuyên truyền, người dân xóm Cóc 2, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc BHXH huyện Tân Lạc cho biết: Thời gian vừa qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã làm giảm số người tham gia BHYT. Hiện tại, tuy một số xã không còn là vùng khó khăn nhưng thu nhập của người dân thuộc diện bị ảnh hưởng còn thấp, chưa đủ điều kiện về kinh tế để tham gia. Việc đóng dồn cùng một lúc để tất cả các thành viên hộ gia đình tham gia là rất khó. Tâm lý của một số người dân còn trông chờ, ỷ lại, chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đối với BHXH tự nguyện thì mức đóng thay đổi, cao gấp hơn 2 lần so với năm trước do thay đổi mức chuẩn nghèo nên nhiều người dân tạm dừng tham gia. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và vận động Nhân dân tham gia BHXH, BHYT.
Trước những khó khăn đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Lạc đã ban hành nhiều văn bản như chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch để tập trung chỉ đạo triển khai công tác phát triển đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện, xã được kiện toàn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phát triển đối tượng. BHXH huyện tích cực phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể và các xã linh hoạt trong công tác tuyên truyền phù hợp từng thời điểm, đối tượng. Ngoài hình thức tuyên truyền truyền thống như qua loa phát thanh, phát tờ rơi, tổ chức hội nghị còn tuyên truyền theo nhóm, mạng xã hội... với phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người". Qua đó nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT được nâng lên, nhiều người hiểu rõ chính sách tích cực tham gia.
Tuy nhiên, để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT yếu tố quan trọng nhất là thu nhập của người dân. Hiện nay, phần lớn người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, lao động tự do nên nguồn thu nhập thấp, không ổn định. Để nhiều người tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT, BHXH huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có thể căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương quyết định mức hỗ trợ thêm cho đối tượng "Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy, ngoài mức hỗ trợ 30% của Chính phủ thì tỉnh có thể hỗ trợ thêm cho đối tượng này. Nếu được hỗ trợ nhiều người có mức sống trung bình sẽ dễ dàng tiếp cận chính sách BHYT.
Trong thời gian tới, BHXH huyện tiếp tục phối hợp Bưu điện huyện, các ban, ngành, đoàn thể triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân bằng nhiều hình thức, chú trọng tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp tới từng xóm, khu dân cư. Tích cực tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. BHXH huyện đề xuất các ngành, đoàn thể xây dựng, triển khai các mô hình hỗ trợ hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Việt Lâm