Hộ cận nghèo xã Tú Lý (Đà Bắc) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; triển khai nhân rộng các dự án hỗ trợ sản xuất; thực hiện hỗ trợ vốn từ quỹ quốc gia về việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động tham gia làm việc trong và ngoài nước... là những giải pháp được các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Kim Bôi… triển khai tích cực.
Điển hình là huyện Kim Bôi thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo về khám chữa bệnh, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, tiền điện, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên… Mặt khác, huyện triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhất là chương trình đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Trên địa bàn có một số mô hình giải quyết việc làm tiêu biểu, góp phần giảm nghèo và GNBV, như mô hình của doanh nghiệp Hùng Như tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chuyển đổi từ hình thức nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp. Sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, toàn huyện Kim Bôi còn 5.137 hộ, chiếm 18,33%, giảm 1.583 hộ, tương đương 5,7% so với năm 2021, đạt 143,9% chỉ tiêu kế hoạch giao. Hộ cận nghèo còn 3.555 hộ, chiếm 12,69%, giảm 623 hộ, tương đương 1,98% so với năm 2021.
Trong năm 2022, huyện Lạc Sơn tạo việc làm và tự tạo việc làm mới cho 2.500 lao động, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; mở được 20 lớp nghề, trong đó có 12 lớp nghề từ nguồn vốn Chương trình MTQG GNBV, 8 lớp nghề từ nguồn ngân sách huyện. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm; Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh); Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Sở NN&PTNT); Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp mở hơn 20 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả rà soát toàn huyện, số hộ nghèo còn 6.720 hộ, chiếm 19,31%.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Chương trình MTQG GNBV luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo, hoàn thành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành và bổ sung một số chính sách hướng tới người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới GNBV. Bên cạnh chỉ đạo các đơn vị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023 để thực hiện chính sách, tỉnh đã triển khai các dự án trong khuôn khổ chương trình MTQG với tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 trên 161 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập nhiều hơn cho người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Năm 2022, các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch. Từ Chương trình MTQG GNBV đã thực hiện 7 dự án thành phần. Huyện nghèo Đà Bắc là địa bàn trọng tâm triển khai chương trình hỗ trợ thoát nghèo. Bên cạnh đó, các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo động lực cộng hưởng thúc đẩy giảm nghèo, GNBV. Theo kết quả rà soát sơ bộ, toàn tỉnh giảm khoảng 6.800 hộ nghèo. Hộ cận nghèo giảm khoảng 1.300 hộ. Các chính sách được quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả, như: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp BHYT; 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn; người nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Bùi Minh