Bên cạnh những ưu điểm như đảm bảo nhanh chóng, đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch; chi trả theo phương thức hiện đại, tiện lợi..., việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt (KDTM) còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân do việc thanh toán KDTM còn là vấn đề mới với đại bộ phận người dân, nhất là với người dân trên địa bàn huyện miền núi.
Với vai trò đơn vị cung ứng dịch vụ, Bưu điện huyện Lạc Sơn chi trả chính sách an sinh xã hội cho đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn thị trấn Vụ Bản.
Những kết quả bước đầu
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đối tượng, người dân đồng thuận trong chuyển đổi phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội KDTM; sự phối hợp nhịp nhàng, tận tình của các nhà cung cấp dịch vụ với mạng lưới chi trả tới từng xã, phường, xóm cùng những lợi ích khác, như được miễn các loại phí dịch vụ thanh toán khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng…, chi trả chính sách ASXH KDTM đã đạt được kết quả nhất định. Tháng 5/2023, sau khi đánh giá kết quả thí điểm tại TP Hoà Bình, phương thức chi trả mới này được triển khai nhân rộng toàn tỉnh. Các huyện lựa chọn 2 - 3 đơn vị cấp xã làm thí điểm và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp.
Tính đến tháng 10/2023, tỉnh rà soát được trên 32.400/34.356 người là đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong diện chi trả ASXH KDTM, đạt 94%. Toàn tỉnh có 2 huyện Kim Bôi, Yên Thuỷ và TP Hoà Bình đã triển khai nhân rộng chi trả ASXH KDTM trên toàn địa bàn. Cụ thể, thực hiện chi trả qua tài khoản cho 8.388/10.380 đối tượng, đạt 80,8%. Các huyện còn lại đang triển khai thí điểm chi trả ở 2 - 3 xã/huyện qua tài khoản cho 3.398/4.195 đối tượng, đạt 81%.
Tùy theo điều kiện của từng địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhà cung cấp dịch vụ là Viettel, Agribank, Bưu điện. Tính đến ngày 15/10/2023 có trên 13.000 đối tượng được cấp tài khoản, chiếm 37,8% tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh.
Tiện lợi nhưng vẫn khó
Theo đồng chí Đỗ Anh Chiến, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), quá trình thực hiện mở tài khoản đối với đối tượng BTXH còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như: Đối với những trường hợp uỷ quyền theo quy định, yêu cầu cả người hưởng và người được uỷ quyền phải cùng có mặt để ký giấy tờ. Tuy nhiên, một số đối tượng không thể đi lại, di chuyển được để làm thủ tục uỷ quyền lĩnh thay chế độ. Đối với trường hợp người hưởng không đủ năng lực hành vi dân sự (mắc bệnh thần kinh, trẻ em trên 14 tuổi…) cần có quyết định giám hộ/trích lục giám hộ/giấy xác nhận là người giám hộ để lĩnh thay chế độ nhưng thủ tục này rất phức tạp (theo quy định tại Điều 22, Bộ luật Dân sự năm 2015). Hiện nay, UBND xã chỉ xác nhận mối quan hệ giữa người hưởng và người lĩnh thay nên không đủ điều kiện mở tài khoản. Một số đối tượng nhà ở thôn, xóm xa khu dân cư lại khó liên lạc qua điện thoại, có những trường hợp đã được thông báo cung cấp giấy tờ liên quan để mở tài khoản nhưng chưa hợp tác. Quá trình nhập dữ liệu của một số đối tượng còn sai lệch giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân, ảnh hưởng đến việc hưởng chính sách của đối tượng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện không có chức năng chi tiền mặt cho đại diện cán bộ đi thanh toán theo hình thức chi tiền mặt, nên nếu thực hiện chi trả chỉ có thể bằng hình thức chuyển khoản tiền cho đối tượng đã mở xong tài khoản, riêng đối tượng chưa mở được tài khoản phải báo cáo đơn vị chủ quản để xử lý.
Mặt khác, thói quen sử dụng tiền mặt, ngại tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến còn khá phổ biến. Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ tập trung ở khu vực thị trấn, chưa bao phủ tại khu vực nông thôn. Việc hiểu và khai thác các tiện ích vốn có của thẻ còn hạn chế. Thêm vào đó, mức phí mỗi lần rút tiền tại cây ATM gây tâm lý e ngại cho người sử dụng thẻ. Trước đây, UBND tỉnh quy định mức phí chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện đối với đơn vị chi trả dịch vụ là bưu điện. Khi áp dụng chi trả KDTM chưa có văn bản hướng dẫn của cấp trên cũng như quy định cụ thể về các khoản phí, nên trong việc ký hợp đồng chi trả của các huyện đối với các nhà cung cấp còn gặp khó khăn.
Tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, chi trả chính sách ASXH KDTM cho đối tượng hưởng trợ cấp là hoạt động cụ thể, song hành chương trình chuyển đổi số của tỉnh và xu thế chuyển đối số quốc gia. Qua đó từng bước đem lại tiện ích, tiết kiệm trong quản lý cũng như cho đối tượng thụ hưởng, vì mọi giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ.
Thời gian tiếp theo, ngành LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đối tượng và cộng đồng về nội dung, tiện ích của việc chuyển đổi chi trả KDTM. Việc tuyên truyền được thực hiện đồng bộ bằng nhiều hình thức như: Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện; đài phát thanh xã; cụm loa truyền thanh xóm, tổ dân phố, mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội để người dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các tiện ích của phương thức chi trả KDTM mang lại. Phối hợp các ngân hàng thương mại, bưu điện, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động để đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội mở tài khoản, đồng thuận trong quá trình chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp từ tiền mặt sang KDTM.
Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành như: Tư pháp, Ngân hàng có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp mở thẻ gặp khó khăn về thủ tục ủy quyền, giám hộ…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng trong quá trình mở thẻ và sử dụng dịch vụ; có hướng chỉ đạo về khoản phí chi trả trợ cấp xã hội đối với nhà cung cấp dịch vụ. Công an tỉnh có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý sai lệch giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân của đối tượng. Để thực hiện tốt việc chi trả ASXH KDTM, tỉnh cần đồng thời xây dựng các phương án chi trả như: chi trả qua tài khoản thanh toán ngân hàng/ví điện tử, hỗ trợ rút tiền mặt miễn phí tại các điểm giao dịch của bưu điện; đối với trường hợp đau ốm, già yếu, không có người để ủy quyền, không sử dụng được điện thoại… thực hiện chi trả tại nhà hoặc thông qua người đại diện theo quy định.
Đối với các huyện, thành phố đã thực hiện nhân rộng chi trả ASXH KDTM trên toàn địa bàn, tiếp tục phối hợp các tổ chức chi trả thực hiện mở thẻ và chi trả qua tài khoản cho đối tượng, phấn đấu đến hết năm 2023 nâng tỷ lệ chi trả qua tài khoản lên trên 80%. Với địa phương vẫn đang triển khai thí điểm đề nghị nhân rộng, phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ chi trả ASXH KDTM tại các địa phương này đạt trên 70%.
Bùi Minh
Chiều 7/12, Quỹ hỗ trợ phát triển nông thôn tổ chức ra mắt Chương trình tài chính vi mô hỗ trợ phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự lễ ra mắt có đồng chí Trần Đăng Ninh, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh…
Một trong bốn chương trình trọng tâm của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 là chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.
Ngày 7/12, Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội năm 2023. Tham dự có gần 200 đại biểu đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Ngày 7/12, tại TP Hòa Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) về quyền con người. Dự hội nghị có các đồng chí: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác TTĐN T.Ư; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục TTĐN, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an... Tham dự có 280 đại biểu làm công tác TTĐN về quyền con người của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Người dân sinh sống ở vùng nông thôn thường chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, những lệ làng, luật tục, chưa có thói quen và ý thức giải quyết mối quan hệ xã hội theo quy phạm pháp luật. Vì vậy, các hòa giải viên ở cơ sở phải chia sẻ một phần đáng kể gánh nặng "đưa luật về làng”.
Ngày 5/12, Agribank chi nhánh huyện Mai Châu phối hợp với ABIC Hà Nội tổ chức chương trình "Bữa cơm nghĩa tình”, tặng suất cơm miễn phí cho người bệnh và thân nhân tại Trung tâm Y tế huyện Mai Châu.