Chỉ còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên việc chăm lo cho đời sống của người lao động đang được các cấp công đoàn, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, với mục tiêu tất cả người lao động đều có Tết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Lên kế hoạch lương thưởng Tết từ sớm
Đầu tháng 12/2023, tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai)- công ty giày da với khoảng 37.000 lao động- không khí Tết đã đến rất gần. Các công nhân phấn khởi chia sẻ: Năm nay, Công ty đã công bố kế hoạch thưởng Tết sớm hơn 1 tháng so với năm trước.
Công nhân trong lĩnh vực dệt may.
"Người làm việc từ 20 năm trở lên được thưởng ở mức 200% lương cơ bản và lương công việc. Lao động có thời gian làm việc từ dưới 3 tháng đến dưới 20 năm được thưởng 25-195% lương cơ bản và lương công việc (tùy vào thâm niên làm việc). Người lao động mới được tuyển vào tháng 1/2024 được thưởng 500.000 đồng” - anh K.B.T công nhân của công ty, cho biết. "Năm nay kinh tế khó khăn, nên thấy công ty lo Tết từ sớm cho công nhân như vậy, mức ổn định như năm ngoái, chúng tôi rất cảm động và yên tâm lao động”.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai), cho biết: Tiền thưởng Tết được trả căn cứ vào mức lương cơ bản và lương công việc (nếu có). Thời gian trả thưởng Tết vào ngày 26/1/2024, qua tài khoản người lao động. Theo ông Tú, mặc dù bị thiếu đơn hàng, song công ty vẫn chăm lo đầy đủ phúc lợi cho người lao động.
Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã có 7 phiên thương lượng với ban giám đốc để giữ được mức thưởng như năm ngoái. Tết năm trước, nhóm công nhân trực tiếp sản xuất làm đủ một năm ở công ty nhận hơn 5,2 triệu đồng và cao nhất trên 20 triệu đồng.
Ở các doanh nghiệp khác, tổ chức Công đoàn cũng đang nỗ lực để người lao động có lương, thưởng Tết.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm này, đơn hàng của công ty ổn định, có những mặt hàng đã có đơn từ tháng 2 đến tháng 6 tới đây. Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất tăng lên, công ty dự kiến tuyển thêm hơn 1.000 công nhân phổ thông vào tháng 1/2024. Trao đổi về kế hoạch thưởng Tết của công ty, ông Nghiệp cho biết tới đây, công đoàn sẽ thương lượng thêm với doanh nghiệp về tiền thưởng.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn Các khu chế xuất – công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết qua nắm thông tin ban đầu tình hình chung của các doanh nghiệp khá khó khăn. Nhiều công ty hụt đơn hàng, công nhân phải giảm giờ làm. Nhìn chung tình hình năm nay khá ảm đạm. Vì vậy, mức thưởng tốt nhất công đoàn kỳ vọng là bình quân một tháng lương cho công nhân. Hiện nay. Công đoàn Hepza cũng lên phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp quá khó khăn, không có thưởng cho lao động bằng các hình thức như tặng quà, vé tàu xe, tiền mặt, hỗ trợ mua hàng giảm giá…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm nay khó đoán về các mức thưởng Tết của người lao động do doanh nghiệp vẫn còn đang gặp khó khăn, chưa phục hồi sản xuất hoàn toàn. Năm nay, qua nắm bắt ở một số doanh nghiệp thì một số doanh nghiệp có than khó khăn và đang cân nhắc mức thường Tết phù hợp, còn một số doanh nghiệp khác sẽ thưởng khá hơn năm ngoái. Tuy nhiên, thống kê chung đa số các doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết 2024 cho người lao động bằng 1 tháng lương thứ 13 và giữ vẫn nguyên mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 như năm ngoái.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 12 và đầu năm 2024, ngành lao động tập trung theo dõi, giám sát trả lương, thưởng Tết, các khoản hỗ trợ cho người lao động. Với nhóm mất việc, khó khăn, đơn vị phối hợp tổ chức công đoàn chăm lo cho khoảng 139.000 trường hợp, tổng kinh phí 71 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh thành phố và các quận, huyện có kế hoạch về chăm lo người lao động, diện chính sách dịp Tết 2024.
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ đầu năm 2023, thị trường lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng nhất là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học… Tuy nhiên, từ tháng 9 trở lại đây, tình hình có tín hiệu khả quan hơn. Dù vậy, việc làm và thu nhập của người lao động ảnh hưởng tới đời sống người lao động. Điều đó cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.
Trước tính hình đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động đề xuất với doanh nghiệp xây dựng, công khai phương án, kế hoạch trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày.
Có chính sách hỗ trợ kịp thời
Theo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, phòng LĐTBXH 24 quận, huyện, TP Thủ Đức và 2 ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp để khảo sát phương án lương thưởng tết, nắm bắt quan hệ lao động trước tết. Mỗi đơn vị sẽ thị sát tại ít nhất 20 doanh nghiệp nên sẽ có khoảng 300 doanh nghiệp được kiểm tra trực tiếp.
Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động trong dịp tết thì trao đổi nhanh với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và báo cáo với cơ quan quản lý lao động tại nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để cùng phối hợp, có kế hoạch thưởng tết và hỗ trợ cho người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đơn vị đã triển khai đến các công đoàn cơ sở nhiều chương trình chăm lo Tết thiết thực, hỗ trợ cao nhất cho công nhân, lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đơn vị cũng đã triển khai đến các Công đoàn cơ sở 6 chương trình chăm lo cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm việc chăm lo rộng khắp, không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng. Chương trình "Tết sum vầy-Xuân tri ân”, sẽ có khoảng 13.000 hộ gia đình đoàn viên khó khăn được hỗ trợ; trong đó, ưu tiên những trường hợp bị mất việc, giảm giờ làm, thể hiện sự quan tâm sâu sát của tổ chức công đoàn. Hướng đến mục tiêu tiết kiệm giúp đoàn viên, công đoàn các khu chế xuất-khu công nghiệp, thành phố sẽ tổ chức chín "Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên” cho 30.000 công nhân (hỗ trợ 500.000 đồng/người) trong dịp Tết này; đồng thời, phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Ðức, các Liên đoàn lao động quận, huyện tặng 4.000 phần quà Tết cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố.
Còn theo ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội, Công đoàn Hà Nội đã có kế hoạch tặng 7.800 voucher mua hàng và 5.000 vé xe miễn phí cho người lao động khó khăn dịp Tết Giáp Thìn 2024. Hoạt động này nằm trong kế hoạch Chương trình Tết Sum vầy 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng Chạp, với sự tham gia của 80 gian hàng giảm giá, gian hàng "0 đồng" bán đồ thiết yếu cho công nhân.Công đoàn cũng lựa chọn người lao động hoàn cảnh khó khăn nhận quà, tiền mặt, túi quà Tết trị giá 350.000 đồng, 1 voucher mua hàng tại chợ Tết trị giá 500.000 đồng và 1 phiếu bốc thăm trúng thưởng.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn khó khăn. Mặc dù phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng; hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi.
Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của đơn vị này, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng khẳng định, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn là động viên tinh thần lớn của người lao động. Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.
Theo Báo Tin tức
Bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, Công đoàn (CĐ) ngành Công Thương Hòa Bình đã thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Các hoạt động thiết thực được triển khai góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Đồng thời giữ vững mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, củng cố lòng tin của NLĐ, góp phần xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh.
Việc xem xét áp dụng giá điện kinh doanh đối với các trạm sạc xe điện cần phải được tính toán, đánh giá một cách kĩ lưỡng.
Ngày 14/12, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, cho vay giải quyết việc làm là chương trình tín dụng có doanh số cho vay đạt cao nhất trong các chương trình tín dụng mà chi nhánh đang quản lý. Cụ thể, đã có hơn 7.000 lượt khách hàng trên địa bàn tỉnh được vay vốn với doanh số cho vay đạt 354,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, trong tỉnh đã có trên 27,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn chính sách với tổng số tiền vay 1.159,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.757,2 tỷ đồng, với 128.891 khách hàng còn dư nợ.
Ngày 13/12, các đồng chí: Nguyễn Đức Dũng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; Hoàng Đức Minh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình liệt sỹ Vũ Văn Thiện, quân nhân Đoàn 871 - Tổng cục Chính trị đã hy sinh trong khi huấn luyện bay tại Ấn Độ.