Niềm vui được mùa lúa nếp thơm Trứng Khe của người dân Miền Đồi (Lạc Sơn).
Sắc vàng rực rỡ của những vườn cam chín mọng, màu xanh non từ những khu vườn mẫu hay sự tinh tế, khéo léo trên những tấm thổ cẩm; sự ấm no, thơm dẻo từ những hạt lúa nếp thơm hay sự sinh sôi, nảy nở của đàn gia súc, gia cầm... là những nét chấm phá cho bức tranh cuộc sống trên các vùng Mường thêm sinh động. Những gam tươi sáng được "dệt” nên bởi sự cần cù, chịu khó của phụ nữ trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn cho biết: Năm 2023, gạo nếp Trứng Khe Miền Đồi (Lạc Sơn) - sản phẩm được phụ nữ tâm huyết giữ gìn, chăm chút, quảng bá để trở thành sản phẩm được mọi người đón nhận. Sản phẩm đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, góp phần phát triển KT-XH, quảng bá thêm về hình ảnh, sản vật của địa phương để mọi người cùng biết đến… Trong năm, sản phẩm là 1 trong 10 dự án lọt vào vòng Chung kết cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa" của T.Ư Hội và tại cuộc thi của tỉnh, Dự án "Bảo tồn giống lúa nếp Trứng Khe Miền Đồi " đã xuất sắc đoạt giải nhất. Bên cạnh đó, trong năm, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả nhiều sản phẩm độc đáo của địa phương trở thành những sản phẩm chất lượng, uy tín, hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định như: gà Lạc Sơn, muối dổi, ớt, thịt chua…
Một trong những sản phẩm thiết thực và chiếm vị trí quan trọng trong những ngày Tết là thịt lợn. Chính vì thế mà cuối năm cũng là những ngày bận rộn của hội viên, phụ nữ, thành viên HTX đa ngành nghề Tâm Cương. Chị Hà Thị Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: Thương hiệu lợn bản địa xã Tân Minh, huyện Đà Bắc được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Đó chính là cơ sở để sản phẩm thịt lợn bản địa của HTX được đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho thành viên HTX và phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ dịp Tết mà trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn bản địa của người dân, khách du lịch ngày càng lớn. Các hội viên, thành viên HTX đã khai thác thế mạnh sẵn có từ chăn nuôi, canh tác của bà con dân tộc Tày, từ đó trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 1,5 tấn lợn thương phẩm, cho doanh thu ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu và ngày càng phát triển, giải quyết được việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho 17 thành viên HTX và 35 xã viên.
Sản phẩm cam Cao Phong ngon, sạch, an toàn… sánh ngang với các loại trái cây nhập khẩu của HTX 3T nông sản Cao Phong do chị Vũ Thị Lệ Thủy tâm huyết tạo thương hiệu trong những năm qua đã trở thành món quà ý nghĩa với thị trường khách hàng rộng khắp. Đặc biệt, chuỗi liên kết trồng cam theo hướng hữu cơ đã đem sản phẩm cam Cao Phong đến phân khúc khách hàng cao cấp và xuất khẩu. Hiện nay, HTX 3T Farm có 15 thành viên và trên 20ha cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng hơn 300 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, trà detox cam, bột cam nguyên chất...
Còn rất nhiều sản phẩm độc đáo của các địa phương đã được các tập thể, cá nhân phụ nữ đem bàn tay, khối óc và sự hy sinh của mình góp phần cùng quê hương "dệt" nên những mùa xuân no ấm.
Không chỉ giỏi giang, năng động trong phát triển kinh tế, lòng nhân ái, tình yêu bao la và những hành động ý nghĩa của Hội Phụ nữ đã đem lại những ngôi nhà mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo, hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn. Và đặc biệt là những ngôi nhà có người mẹ đặc biệt - "Mẹ đỡ đầu” cho những đứa con mồ côi.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Năm 2023 có 1.461 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo được Hội giúp thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trong đó, số hộ có phụ nữ thuộc hộ nghèo được Hội giúp thoát nghèo là 827 hộ; số hộ có phụ nữ thuộc hộ cận nghèo được Hội giúp thoát cận nghèo là 634 hộ. Đặc biệt, trong chương trình "Mẹ đỡ đầu”, năm 2023 Hội nhận đỡ đầu 34 cháu đến năm 18 tuổi với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Hồng Duyên