Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm được TP Hòa Bình xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh việc sớm triển khai rà soát, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và việc làm của người lao động (NLĐ), thành phố đã ban hành các cơ chế, giải pháp thiết thực, hiệu quả để tổ chức triển khai thực hiện.
Theo thống kê, trên địa bàn có hơn 86.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% dân số, khoảng 5.000 NLĐ có thu nhập không ổn định. Trong năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Một trong những cơ chế, giải pháp cụ thể của địa phương là HĐND thành phố đã thông qua đề án "Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn TP Hòa Bình từ năm 2022 - 2025” với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Thành phố cũng bố trí nguồn kinh phí qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ NLĐ vay vốn phát triển kinh tế. Phối hợp các cơ quan liên quan, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức đào tạo nghề tại DN. Như phối hợp Công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà CMS đào tạo cho 30 người; phối hợp các DN tuyển dụng tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Có thực tế là một bộ phận người dân ở địa phương, nhất là khu vực nông thôn trong nếp nghĩ, cách làm đối với chương trình xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại chỗ chưa thực sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Thành phố đã, đang thực hiện các dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu nhà ở đô thị nên số lao động trong diện thu hồi đất bị ảnh hưởng về việc làm, nhất là lao động trên 40 tuổi. Năm 2023, bằng nhiều hình thức hỗ trợ về thông tin, tuyên truyền, tư vấn, thành phố đã tạo việc làm, giới thiệu việc làm mới cho gần 5.000 người. Công tác giải quyết việc làm chú trọng đối với NLĐ diện bị thu hồi đất, lao động có việc làm không ổn định chuyển sang việc làm mới có thu nhập ổn định hơn. Từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 1.600 lượt người vay vốn với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có 124 người tham gia thị trường xuất khẩu lao động, đưa thành phố trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh về thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng chí Trần Thị Bích Huyền, Trưởng phòng LĐ -TB&XH TP Hòa Bình cho biết: Những giải pháp về việc làm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2023, toàn thành phố còn 375 hộ nghèo, chiếm 1,06%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%, cao hơn mức trung bình của tỉnh. Năm 2024, thành phố tập trung thực hiện chuyển dịch dần cơ cấu lao động sang lĩnh vực công nghiệp, lao động phi nông nghiệp là chủ lực. Theo đó, đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo các ngành nghề phù hợp với nguyện vọng NLĐ và nhu cầu phát triển của địa phương, phối hợp, liên kết với DN trong đào tạo nghề gắn với đảm bảo đầu ra; tiếp tục phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm, hội nghị, hội thảo tư vấn và giới thiệu việc làm, kịp thời thông tin cung cầu lao động, tạo kết nối nhiều mối quan hệ lao động mới; khuyến khích, hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm cho NLĐ thông qua hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh tế gia đình; thông tin tuyên truyền, tuyển dụng lao động cho DN trong, ngoài tỉnh... Cùng với đó, quan tâm phát triển DN, khu, cụm công nghiệp nhằm triển khai chính sách việc làm; thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, trình độ tay nghề của NLĐ.
Bùi Minh