Thời gian gần đây, tình hình bệnh dại trên cả nước diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Với tổng đàn chó, mèo lớn, huyện Kim Bôi đã, đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật, trong đó đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Cán bộ thú y xã Kim Bôi (Kim Bôi) tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó.
Cứ dịp đầu năm, gia đình bà Bùi Thị Hiền, xóm Trò, xã Kim Lập được chính quyền địa phương và cán bộ thú y tuyên truyền về thực hiện tiêm phòng dại cho chó, mèo nên gia đình bà chấp hành tiêm đầy đủ vắc xin cho vật nuôi. Bà Hiền cho biết: "Nhà tôi nuôi 6 con chó, nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh dại, khi có lịch thông báo của chính quyền địa phương tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, gia đình tôi đều nhốt lại chờ cán bộ thú y đến tiêm phòng. Khi thả chó ra ngoài tôi đều rọ mõm, đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên đường”.
Gia đình ông Bùi Văn Tính, xóm Rộc, xã Hùng Sơn cũng thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin cho đàn chó. Ông Tính cho biết: "Nhà tôi nuôi 2 con chó. Được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc phòng, chống bệnh dại, hàng năm tôi đều thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh”.
Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi có trên 17.200 con chó, mèo được các hộ nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn. Việc nuôi chó, mèo để trông nhà và bắt chuột nên đàn chó, mèo phần lớn đều thả rông. Để công tác tiêm phòng bệnh dại đạt hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành thống kê số lượng chó, mèo nuôi trong từng hộ. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, tổ chức cho các hộ ký cam kết về việc không thả rông chó, mèo ra ngoài đường. Đồng thời, vận động người dân chủ động phối hợp với cán bộ thú y khi đến tiêm phòng dại. Song song với đó, trạm y tế các xã, thị trấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh dại; phương pháp xử lý, sơ cứu ban đầu khi bị chó, mèo cắn… Nhờ đó, ý thức trong chăn nuôi của người dân được nâng lên, tình trạng thả rông chó, mèo giảm hẳn so với trước.
Thời tiết giao mùa, nắng nóng bất thường như hiện nay khiến nguy cơ xâm nhiễm, lây lan bệnh dại trên chó, mèo rất cao. Từ cuối tháng 2, huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân chủ động tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn thì đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi cho biết: Hàng năm, vào thời điểm tháng 3, tháng 4, chó, mèo rất dễ mắc bệnh dại, do vậy cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại; vận động chủ nuôi chó, mèo chủ động tiêm vắc xin trong mỗi đợt tiêm. Đặc biệt, khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường, sốt cao, hung dữ, người dân cần báo ngay cho cán bộ thú y xã, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay, đồng loạt 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Tính đến cuối tháng 3/2024, toàn huyện có trên 5.000 con chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, nhưng để bệnh dại được đẩy lùi cần sự chung tay cùng với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dại của người dân.
Bùi Thoa
(Trung tâm VH - TT&TT huyện Kim Bôi)
Cách trung tâm huyện 62 km, xã Đồng Chum (Đà Bắc) có 6 xóm, 813 hộ, 3.680 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện đường giao thông còn khó khăn, mùa mưa lũ hay xảy ra sạt lở, đất sản xuất hạn chế, nông sản thường bị tư thương ép giá… là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.
Đồng chí Phạm Hoài Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) cho biết: Đến tháng 2/2024, Hội LHPN thị trấn có 2.147 hội viên, 14 chi hội và 48 tổ phụ nữ. Hội viên trên 70 tuổi chiếm 34%. Số lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn khoảng 14 nghìn người, lao động nữ chiếm từ 60% trở lên, tùy từng thời điểm, trong đó tạm trú trên địa bàn khoảng trên 500 công nhân, công nhân nữ trên 220 người. Số phụ nữ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn là công nhân KCN trên 320 người.
Ngày 2/4, Liên đoàn Lao động huyện Lạc Sơn tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công đoàn năm 2024 cho trên 100 cán bộ công đoàn cơ sở.
Ngày 2/4, tại hội trường Trường THPT Lương Sơn, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện huyện Lương Sơn phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt I năm 2024.
Ngày 2/4, Công đoàn ngành Y tế tổ chức hội nghị thành lập và ký kết giao ước thi đua các Khối thi đua Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc và ra mắt trang thông tin điện tử.