Hội viên phụ nữ xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) viết phiếu tư vấn gửi cán bộ tư vấn, trợ giúp pháp lý.
Tham gia chương trình tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức dịp đầu năm 2024, chị Bùi Thị Hòa, xã Định Cư (Lạc Sơn) chia sẻ: Tôi cùng 50 thành viên tham gia chương trình không chỉ được giới thiệu các nội dung liên quan đến Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản dưới luật mà còn được các chuyên gia tư vấn, trợ giúp những câu hỏi còn khúc mắc, chưa hiểu rõ. Chúng tôi cảm thấy chương trình rất ý nghĩa, giúp có thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật, tự tin hơn trong cuộc sống cũng như biết cách ứng xử, bảo vệ mình và người thân.
Theo cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết, tại 4 xã dự án, Hội LHPN tỉnh phối hợp trung tâm tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho 200 phụ nữ dân tộc thiểu số. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tại chương trình tiếp nhận nhiều câu hỏi, ý kiến trực tiếp của hội viên phụ nữ và người dân địa phương, cũng có nhiều ý kiến người dân viết thông qua phiếu ý kiến của chương trình phát. Chúng tôi đã thực hiện tư vấn trực tiếp tại chương trình cũng như tư vấn bằng văn bản đối với những trường hợp cần thu thập thêm tài liệu, thông tin, chứng cứ pháp lý… Sau khi tổng hợp và phân loại phiếu, cán bộ trung tâm tư vấn trực tiếp cho những trường hợp có đầy đủ nội dung thông tin, viết nội dung tư vấn vào phiếu tư vấn và gửi người được tư vấn.
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Hội LHPN phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức nhiều chương trình trợ giúp pháp lý lưu động, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho phụ nữ; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; phát hành các tờ gấp pháp luật về quyền của phụ nữ, đặc biệt là các quyền về lao động, đất đai, nhà ở... Nội dung các vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ rất rộng, tuy nhiên, các hoạt động tư vấn, đại diện, bảo vệ quyền lợi tập trung trong lĩnh vực về đất đai, hôn nhân - gia đình. Việc phổ biến pháp luật cho hội viên phụ nữ và nhân dân các xã bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, tuyên truyền trực tiếp trong các đợt trợ giúp lưu động; thông qua Đài phát thanh xã giới thiệu pháp luật về dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai...
Hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong khuôn khổ dự án đóng góp tích cực để dự án thực hiện đạt các mục tiêu quan trọng đề ra như: Thông qua thay đổi nhận thức của phụ nữ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình; giúp phụ nữ được tiếp cận và hiểu rõ hơn về luật. Từ đó phấn đấu 40% hệ thống dịch vụ pháp lý, tư pháp ở các vùng dự án (gồm cán bộ tư pháp cấp huyện, xã vùng dự án) được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm trong cách tiếp cận với các quy định, Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình; 50% cán bộ địa phương (khoảng 300 người là cán bộ đoàn thể, các ngành cùng tham gia) được nâng cao kỹ năng để thực hiện truyền thông tích cực, thay đổi hành vi; 60% thành viên cộng đồng được tiếp cận thông tin kịp thời, dễ hiểu, biết được chức năng và địa chỉ tiếp cận dịch vụ tư pháp…
Hồng Duyên