Thành phố Hòa Bình luôn xác định việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND thành phố; sự quan tâm của các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành và đồng thuận của nhân dân, thành phố Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo… của Trung ương và của tỉnh phù hợp với điều kiện, quy hoạch chung của thành phố. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc được đầu tư, nâng cấp. Hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh, nhiều công trình đã được đầu tư, xây dựng. Hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và có bước chuyển biến tích cực; nhiều khu dân cư, dự án nhà ở đã được quan tâm xây dựng, tạo diện mạo mới cho địa phương. Đặc biệt, các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả, giúp hoàn thành các chỉ tiêu cho xã Độc Lập - xã đặc biệt khó khăn duy nhất của thành phố về đích nông thôn mới năm 2023.
Các công trình điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% xã vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn thành phố có đường ô tô dải nhựa đến trung tâm, giúp việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân được thuận tiện hơn. 100% xã trên địa bàn có trường, lớp học kiên cố; 100% hộ vùng cao được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có điện lưới quốc gia…; cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có sự chuyển dịch tích cực. Thông qua các chính sách dân tộc, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, đã làm thay đổi căn bản suy nghĩ của đồng bào, tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Việc triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc đã thúc đẩy phát triển KT-XH, đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn; cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng đổi mới; hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ DTTS được củng cố, kiện toàn; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Năm 2023, TP Hòa Bình đạt tốc độ tăng trưởng 12%; tổng thu ngân sách nhà nước 591,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 90 triệu đồng/người/năm, vùng DTTS tăng lên 63 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) giảm còn 1,06%, tỷ lệ giảm 0,41% (đến cuối năm 2023 hộ nghèo DTTS còn 259 hộ, chiếm 1,84%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế vùng đồng bào DTTS của thành phố đã có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa ổn định, chất lượng sản phẩm nông, lâm sản đưa ra thị trường chưa cao; các mô hình phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS còn khá cao; tỷ lệ hộ nghèo DTTS tuy có giảm nhưng chưa bền vững.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới, TP Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành triển khai thực hiện chương trình của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023 - 2025 đã đề ra.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động theo hướng đổi mới cách thức, phương thức công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, giúp người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể việc thực hiện các chương trình, trở thành ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người.
Cụ thể hóa đồng bộ và toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm KT-XH của từng vùng, từng địa phương. Tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển KT-XH; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS.
Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS. Phát huy hơn nữa nội lực của đồng bào và vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc có trình độ chuyên môn và năng lực để tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề mới trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chương trình, dự án và đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở...
Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình