Thanh, thiếu nhi phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) học bơi và tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em.
Toàn tỉnh hiện có trên 226 nghìn trẻ em, chiếm gần 26% dân số. Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, có hàng trăm con suối lớn, nhỏ, môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích (TNTT), nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, các điểm, khu vui chơi an toàn cho trẻ còn thiếu, nhất là ở các xã vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 81/151 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em, chiếm 53,64%. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng xây dựng khu vui chơi, bể bơi cho trẻ còn không ít khó khăn. Một số địa phương không quy hoạch, bố trí đất để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ.
Hậu quả của TNTT xảy ra ở trẻ em tùy vào mức độ nặng - nhẹ, nhưng có thể gây ra di chứng trầm trọng về sức khỏe, tinh thần mà chính trẻ phải gánh chịu, thậm chí là tử vong. Năm 2023, trẻ em tử vong do TNTT tăng so với năm 2022. Toàn tỉnh có 35 trẻ bị tử vong do TNTT, trong đó, tử vong do đuối nước 23 trẻ (huyện Lạc Sơn 8 trẻ, Lương Sơn 4 trẻ, TP Hòa Bình, Tân Lạc, Yên Thủy mỗi địa phương 3 trẻ, Kim Bôi 2 trẻ); tử vong do tai nạn giao thông 7 trẻ (TP Hòa Bình 3 trẻ, huyện Lạc Sơn 2 trẻ, Kim Bôi, Lương Sơn mỗi địa phương 1 trẻ); tử vong do nguyên nhân khác 5 trẻ. Từ đầu năm đến ngày 14/6, trên địa bàn tỉnh có 14 trẻ tử vong do TNTT, trong đó có 8 vụ đuối nước khiến 10 trẻ tử vong. Đáng chú ý, trong ngày 13/6, trên địa bàn huyện Lạc Sơn xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm tại xã Miền Đồi và Chí Đạo khiến 3 trẻ tử vong.
Từ những số liệu trên cho thấy, trong các nguyên nhân tử vong do TNTT ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc, nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực được triển khai đồng bộ, song các vụ việc trẻ em bị TNTT, tử vong do TNTT vẫn xảy ra. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có phòng, chống TNTT trẻ em. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương; các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện tại cấp cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh, chúng tôi mong mỗi gia đình, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quan tâm, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, đảm bảo an toàn để chung tay phòng, chống TNTT, đuối nước ở trẻ em. Đồng thời, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước và tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Ngoài ra, chính quyền địa phương, nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên cũng cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ trong việc bàn giao, tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè tạiđịa phương, tổ chức nhiều hoạt động hè bổ ích cho các em như: thể dục thể thao, văn nghệ, phát triển năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...”.
Vừa qua, trên 100 đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đã tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống đuối nước, TNTT cho trẻ em năm 2024. Đây là hoạt động ý nghĩa do Đoàn phường Hữu Nghị và một số hội, đoàn thể phường phối hợp tổ chức. Anh Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn phường Hữu Nghị chia sẻ: "Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè, những năm qua, Đoàn phường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành một số kỹ năng cơ bản về thoát hiểm, sơ cấp cứu nạn nhân bị đuối nước, dạy bơi được chúng tôi chú trọng thực hiện hàng năm. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng với trẻ em; tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn để các em phát triển toàn diện...”.
Quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là sự chung tay, nỗ lực của toàn xã hội.