Tiểu phẩm "Giải thoát" của Công đoàn xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc tại buổi Tọa đàm hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6/2024.
Chia sẻ quan điểm về hạnh phúc gia đình, chị Bùi Thúy Nga, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, người thân. Bất kỳ ai cũng đều mong muốn gia đình mình luôn được ấm no, hạnh phúc. Mỗi người có tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc riêng. Có người cho rằng gia đình sẽ hạnh phúc khi có đủ điều kiện vật chất. Có người chỉ mong các thành viên trong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau là đủ. Nhưng nhìn chung, để xây dựng gia đình hạnh phúc bền lâu đều bao gồm các yếu tố: tài chính vững mạnh, có sự chia sẻ, cảm thông, tôn trọng lẫn nhau…
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 220.509 hộ gia đình, trong đó có 23.582 hộ chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con; 18.520 hộ 1 thế hệ (vợ, chồng); 96.639 hộ 2 thế hệ; 77.043 hộ 3 thế hệ trở lên và 4.725 hộ gia đình khác. Trong những năm qua, ngành VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh thực hiện các kế hoạch, đề án, chương trình về công tác gia đình. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương cụ thể hóa các nội dung kế hoạch và triển khai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; lồng ghép thực hiện công tác gia đình vào nội dung, nhiệm vụ công tác năm của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng.
Nhằm lan tỏa thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc đến người dân trong tỉnh, Sở VH-TT&DL, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền bằng hình thức treo băng rôn, tổ chức tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ)... Đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc. Tại các địa phương lồng ghép tuyên truyền về công tác gia đình thông qua các buổi họp, sinh hoạt của các chi, tổ hội. Đặc biệt, UBND xã, phường, thị trấn duy trì các mô hình phòng, chống BLGĐ. Hiện nay, toàn tỉnh có 170 mô hình phòng, chống BLGĐ (theo chuẩn của Bộ VH-TT&DL); 1.488 nhóm phòng, chống BLGĐ; 151/151 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình, có câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững... Qua đó góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Tình trạng BLGĐ ngày càng gia tăng. Mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo... Theo thống kê của ngành VH-TT&DL, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 26 gia đình có bạo lực với 26 vụ (10 vụ bạo lực tinh thần, 16 vụ bạo lực thân thể); có 23 người bị xử lý bằng hình thức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; 1 người áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/phường/thị trấn...
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác gia đình thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành Công văn số 742/BCĐGĐ, ngày 17/4/2024 về việc tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Gia đình; Ngày Gia đình Việt Nam; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2024. Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động phòng, chống BLGĐ năm 2024. Trong đó, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng". Đây là dịp các ngành, các cấp, đoàn thể tuyên truyền cổ động, khuyến khích các gia đình chung tay gìn giữ, lưu truyền và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, ứng xử tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam; thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa BLGĐ.
Để gia đình thực sự trở thành bến đỗ bình yên, hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá, tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu những giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Đồng thời dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn, góp phần phát triển KT-XH.
Hương Lan