Nguồn nước suối Cơi tại khu An Khang, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đổi màu, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Từ quốc lộ 6 rẽ vào khu An Khang, thị trấn Mãn Đức khoảng 1km là nơi sinh sống của các hộ dân gần khu vực suối Cơi, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Theo quan sát, nguồn nước từ trong khe núi chảy ra có màu đen kịt, vẩn đục… Cách đó khoảng 20m, hộ anh Bùi Văn Linh phải chung sống với môi trường ô nhiễm gần 10 năm qua. Anh Linh trăn trở: "Trước đây khi chưa có bãi rác tập kết tại thượng nguồn, nguồn nước trong vắt, mát mẻ được gia đình tôi kéo về sử dụng sinh hoạt và tưới tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi bãi rác đi vào hoạt động, nước suối dần chuyển màu đen và bốc mùi thối rất khó chịu. Lo lắng trước thực trạng nguồn nước gây ô nhiễm, gia đình tôi và các hộ dân trong khu dân cư phải tìm kiếm các mó nước khác để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Dù vậy gia đình thấy bất an khi ngày nào cũng phải chung sống với mùi hôi thối bốc ra từ nguồn nước, đặc biệt trong thời điểm rác được đốt, khói đen bao phủ và mùi khét khó chịu”.
Theo chia sẻ của một số hộ dân khu An Khang, nguyên nhân khiến con suối Cơi ô nhiễm bởi ảnh hưởng khu xử lý rác thải của thị trấn do Công ty CP đầu tư Kim Đạt Việt vận hành, quản lý. Qua tìm hiểu, trước đây bãi rác là nơi tập kết, thu gom rác thải của thị trấn Mãn Đức, hiện nay là bãi rác tập trung của cả huyện Tân Lạc. Quan sát tại hiện trường, rác thải được doanh nghiệp thu gom chất đống không được phủ bạt. Rác thải sau khi tập kết về đây không được phân loại xử lý, thay vào đó một phần đốt tiêu hủy, phần còn lại chôn lấp phía sau quả đồi. Với vị trí nằm ở thượng nguồn đã dẫn đến việc rác thải thẩm thấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm của suối Cơi.
Suối Cơi có vai trò quan trọng đối với đời sống sinh hoạt của gần 100 hộ dân khu An Khang. Khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, phần lớn người dân trên địa bàn sử dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong đó, gần 20 hộ sử dụng nguồn nước để phục vụ sinh hoạt gia đình. Sau khi nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, các hộ phải tìm kiếm các mạch nước ngầm khác cách nhà khoảng 3 - 4 km để sử dụng. Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, mỗi hộ cũng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua sắm các thiết bị dẫn nước. Mặt khác, điều mà người dân lo lắng là suối Cơi chảy qua nhiều địa bàn tập trung đông dân cư. Nếu ngày càng lan rộng còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy nước sạch của huyện Tân Lạc cách đó chừng 6 - 7 km.
Thực tế nguồn nước suối Cơi tại khu An Khang ô nhiễm gây bức xúc trong nhân dân đã diễn ra trong nhiều năm qua. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị đến các cấp chính quyền, tuy nhiên các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để. Về phía doanh nghiệp nhiều lần cam kết với chính quyền địa phương giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Trao đổi về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu An Khang, đồng chí Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức cho biết: "Tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ khe suối phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tại khu An Khang diễn ra từ lâu và vẫn tiếp tục tái diễn. Mặc dù chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chưa có tín hiệu khả quan. Chính quyền địa phương mong muốn các ngành chức năng quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, môi trường xanh - sạch - đẹp. Xử lý nghiêm doanh nghiệp nếu còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Đức Anh