Với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại, TP Hòa Bình huy động cả hệ thống chính trị vừa tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, vừa tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão.
Công an phường Kỳ Sơn (TP Hoà Bình) hỗ trợ người dân di dời tài sản khỏi khu vực ngập úng.
Lực lượng chức năng đặt biển cảnh báo tại điểm sạt lở trên đường 433, địa phận xã Hòa Bình (TP Hoà Bình).
Tại xã Quang Tiến, sau khi bão số 3 đi qua đã làm tốc mái nhiều nhà dân và gẫy, đổ cây xanh. Ngay lập tức, Công an xã phối hợp với các lực lượng tại địa phương rà soát, nắm tình hình và hỗ trợ người dân lợp lại mái, thu dọn cây bị gẫy, đổ để đảm bảo an toàn.
Ngày 10/9, khu vực taluy dương trụ sở UBND xã Độc Lập xảy ra sạt lở, đất bùn tràn vào một phần hành lang cơ quan. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Sáng 11/9, để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, UBND xã Độc Lập đã di dời máy móc, thiết bị, hồ sơ đến nơi làm việc khác. Đồng thời, đặt biển cảnh báo để người dân không di chuyển vào nơi nguy hiểm khi nguy cơ sạt lở vẫn còn.
Theo UBND TP Hòa Bình, ảnh hưởng bão số 3, trên địa bàn thành phố từ chiều 6/9 có mưa vừa đến rất to kèm dông gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu. Trong đó, 2 nhà bị sập hoàn toàn tại xã Thịnh Minh; 74 nhà bị tốc mái và đất, đá sạt vào nhà, ngập úng; đổ, gẫy khoảng 100 cây xanh đô thị trên một số tuyến đường. Nhiều hộ bị hỏng thiết bị điện do sét đánh; chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm bị tốc và đổ mái; sạt lở taluy dương tại trụ sở UBND, nhà văn hóa xã Độc Lập. Về nông, lâm nghiệp, thủy sản, gần 40ha lúa và bí xanh bị ngập úng và đổ; 57ha hoa màu bị ngập úng; trên 300 con giam cầm, lợn bị lũ cuốn; 6 ao cá bị vỡ, thiệt hại khoảng trên 5 tấn cá; đổ, gẫy 6 ha keo, bồ đề.
Về phương tiện và giao thông, có 2 thuyền đánh cá và 1 nhà bè bị chìm. Tại đường tỉnh 433 bị sạt lở đất 3 điểm thuộc xã Hòa Bình; 6 điểm sạt lở xảy ra tại đường 448 đi xã Độc Lập... Ngày 11/9 xuất hiện thêm sạt lở đường tỉnh 433 đoạn qua xã Hòa Bình và đường 70B xóm Bún đi xã Yên Mông. Khu vực cầu Ngòi Mới, xã Thịnh Minh cũng có nguy cơ sạt lở cao. Đường 433 và đường 448 đoạn qua xã Độc Lập ngầm không lưu thông được. Về công trình thủy lợi, có 5m đường (kết hợp bờ bao thủy lợi) tại xóm Giếng, xã Thịnh Minh bị vỡ; hệ thống bai tại xóm Ao Trạch, Ba Nội bị vỡ và cuốn trôi...
Cán bộ UBND xã Độc Lập (TP Hoà Bình) di dời thiết bị, hồ sơ đến nơi làm việc khác sau khi trụ sở UBND xã có chỗ bị sạt lở.
Các lực lượng hỗ trợ người dân xóm Mè, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) dọn cây bị gẫy, đổ và lợp lại mái nhà.
Để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn trên địa bàn, UBND thành phố tiếp tục đôn đốc các phường, xã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó mưa lũ, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết; cảnh báo người dân khi di chuyển qua các khu vực nguy hiểm; giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại về lúa, hoa màu. Đến nay, các điểm sạt lở như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã Độc Lập đã được di dời đến nơi làm việc khác. Thành phố đã cắm biển cảnh báo tại các tuyến đường sạt lở, có nguy cơ sạt lở; xúc dọn đất, đá sạt lở, đảm bảo giao thông; cắm biển, rào chắn tại các ngầm không cho người, phương tiện qua lại khi bị ngập; các lực lượng đã cắt, dọn dẹp ngay các cây bị gẫy, đổ để đảm bảo giao thông thông suốt. Các phường, xã đã huy động lực lượng chức năng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà, lợp lại mái, di dời đồ đạc trong nhà. Huy động lực lượng trục vớt các tàu, ca nô bị chìm; bơm tiêu úng tại các trạm bơm Quỳnh Lâm, Hợp Thành, Thịnh Minh...
Ngày 10/9, UBND thành phố đã ban hành công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3; khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân bị ảnh hưởng; chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và đảm bảo an toàn trên địa bàn; nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để ai bị đói, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các phòng, ban, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ và ngập lụt theo thẩm quyền. Tập trung khắc phục khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới. Nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống người dân. Tiếp tục rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu; người dân chỉ trở về nơi ở cũ khi đảm bảo các điều kiện an toàn...
Minh Vũ - Lan Hương
Từ sáng 10/9, nhóm cơm Thiện tâm do chị Nguyễn Thu Trang, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) làm trưởng nhóm đã huy động các thành viên cùng hơn 30 chị em trên địa bàn phường Phương Lâm, Đồng Tiến (TP Hoà Bình) đóng góp các nhu yếu phẩm, lương thực và công sức sơ chế các thực phẩm để mang đến với người dân vùng lũ tỉnh Tuyên Quang.
Cục Quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ năng ứng phó với ngập lụt cho người dân.
Chiều 11/9, Báo Hòa Bình tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Chiều 11/9, nhóm Bạn hữu đường xa Hoà Bình 28 được sự hỗ trợ của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung tại Cung Văn hoá tỉnh Hoà Bình xuất quân kịp thời đưa hàng hoá, nhu yếu phẩm đến với đồng bào vùng lũ tỉnh Yên Bái.
Chiều 11/9, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Dự và tham gia quyên góp ủng hộ có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Toàn, Đinh Công Sứ, Nguyễn Văn Chương.