(HBĐT) - Làm du lịch cộng đồng- homestay đã trở nên quen thuộc đối với người dân huyện Mai Châu, tuy nhiên, đa phần người dân vẫn làm theo lối truyền thống nên còn hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Nhận thấy thực tế đó, Bí thư Đoàn xã Chiềng Châu Hà Công Hợi đã mạnh dạn đổi mới cách làm, mang những nét độc đáo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại làm hài lòng du khách.
Anh Hà Công Hợi, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) chú trọng đổi mới không gian của homestay thân thiện với môi trường bằng việc trồng nhiều bồn hoa trang trí trên tường rào cho du khách thưởng thức.
Thoát ly tư duy theo lối mòn
Homestay Hiếu Hợi thuộc bản Lác, xã Chiềng Châu do chàng trai 8X Hà Công Hợi bắt tay vào thực hiện từ năm 2008. Thời điểm đó, mới chỉ có khoảng 20 hộ tiếp cận làm du lịch cộng đồng homestay ở xã. Kể về những khó khăn trong thời gian đầu làm homestay, anh Hà Công Hợi chia sẻ: "Vốn đầu tư của gia đình còn hạn chế, xã chưa có nhiều mô hình mẫu để học tập, chủ yếu vẫn là yếu tố tự phát của bà con. Do đó, kinh nghiệm phục vụ, các loại dịch vụ đáp ứng du khách còn thiếu. Vẫn còn tư tưởng "chủ ở sao thì khách ở vậy” nên tính chuyên nghiệp hóa chưa cao, dẫn đến việc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách trong và ngoài nước đến du lịch”.
Qua một thời gian dài làm du lịch cộng đồng theo lối truyền thống cho thấy hiệu quả thu hút khách không cao, với suy nghĩ cần phải thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, anh Hợi mạnh dạn vay hơn 500 triệu đồng đầu tư nâng cấp homestay kết hợp hài hòa giữa hiện đại với truyền thống, thay đổi từ lối kiến trúc cho đến cách bày trí. Anh Hợi cho biết: "Quyết định vay số tiền lớn để đầu tư làm du lịch homestay một cách bài bản, chuyên nghiệp, tôi đã tham khảo không ít trên mạng internet và tìm hiểu thực tế. Nhận thấy các gia đình khác đa phần chú trọng vào phục vụ khách ăn uống, chỗ ngủ chủ yếu là nhà sàn truyền thống chưa có sự đa dạng để đáp ứng cả những khách đi lẻ hay theo gia đình, không gian vui chơi cho khách cũng hạn chế thôi thúc tôi tìm đến cái mới mẻ, độc và lạ mang đến cho khách nghỉ lại một cảm giác thư giãn, thoải mái nhất”.
Homestay mới giữa bản làng truyền thống
Để giữ gìn bản sắc, anh Hợi duy trì 2 nhà sàn có 2 phòng ngủ cộng đồng rộng rãi, thoáng mát. Khác với các hộ làm homestay khác, anh thiết kế và xây dựng một nhà sàn bê tông với 1 phòng ngủ cộng đồng và 2 phòng khép kín dành cho các gia đình đi ít người hoặc khách đi lẻ đều có hệ thống điều hòa và quạt làm mát. Ngoài ra, anh bố trí một phòng bếp rộng 80 m2 có thể cho du khách thoải mái tự tay vào bếp nấu các món ăn dân tộc cùng với gia chủ. Sân bê tông rộng gần 500 m2 ngay trong khuôn viên là địa điểm lý tưởng cho du khách tổ chức sự kiện hoặc tiệc buffe nướng ngoài trời, đây là điểm hiếm thấy ở các hộ làm homestay truyền thống cho thấy anh đã chú trọng không gian để khách nghỉ chân vui chơi, giải trí. Một trong những ý tưởng đổi mới không gian thân thiện với môi trường mà chàng thanh niên 8X tâm đắc là việc trồng nhiều bồn hoa đủ loại gắn trên tường rào của gia đình vừa để trang trí, vừa để cho khách thưởng thức. Kết hợp với đá trang trí phía dưới nhà sàn gỗ, bàn, ghế bằng tre, gỗ (có cả ghế nằm) cho khách cảm nhận không gian mới, độc và lạ.
Bên cạnh đó là một số dịch vụ mà homestay của anh Hợi đáp ứng nhu cầu du khách như xe điện chuyên đưa đón khách đi thăm quan, vãn cảnh trong bản; tổ chức đốt lửa trại, chương trình văn nghệ mang bản sắc dân tộc Thái;... Anh Hợi chia sẻ: "Trước đây, do điều kiện về thông tin còn hạn chế nên khách đến du lịch phải tự tìm đến homestay để liên hệ. Hiện nay, cập nhật công nghệ 4.0, tôi đã chủ động mang khách đến với homestay của gia đình thông qua mạng internet như facebook, zalo và liên kết với các công ty du lịch ở các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,... để thu hút khách về với homestay của mình. Mỗi khi khách cần tham khảo trước về giá cả và chất lượng phòng nghỉ, tôi có thể gửi trực tiếp bảng giá cho khách đi kèm với những hình ảnh thực tế phản ánh chi tiết từ chỗ ăn, ngủ đến nơi sinh hoạt, vui chơi chỉ bằng một chiếc smartphone”.
Với cách làm đó mang đến cho anh Hợi khoảng 1.200 khách/năm, trừ chi phí thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Trong vai trò là Bí thư Đoàn xã, anh Hợi cũng thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm homestay kiểu mới của mình cho một số thanh niên khác trên địa bàn như Hà Công Toản, Hà Công Sơn, Vì Văn Minh,... Đồng chí Khà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: "Toàn xã có 74 hộ làm homestay có giấy phép kinh doanh chủ yếu ở bản Lác. Cách làm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của anh Hợi đang còn khá mới mẻ nhưng lại có những dấu hiệu tích cực, góp phần thu hút khách về với địa phương. Hi vọng thời gian tới, homestay Hiếu Hợi sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa níu chân du khách, là mô hình kiểu mẫu để nhân rộng trong và ngoài địa phương”.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Từng gặp vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, chị Bùi Bích Liên ở tổ dân phố Đình 2, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã trăn trở rất nhiều trước khi tìm hiểu, quyết định chọn Hòa Bình là điểm xây dựng nông trại Orfarm Thủy Thiên Nhu (mô hình trang trại sạch nhất Việt Nam).
(HBĐT) - Đến thời điểm này, có thể khẳng định ở cả 2 miền Bắc, Nam vẫn chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam ngoài HTX Hà Phong tại khu I, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong. Anh Lê Văn Cương (SN 1981), Giám đốc HTX là người đã mạnh dạn, tiên phong chuyển giao công nghệ, cho ra đời những sản phẩm mới. Sản phẩm đang thu được tín hiệu tốt từ thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nghề nuôi ong tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm mật ong của nông dân xã Yên Bồng có chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
(HBĐT)-Có thể bây giờ nhiều người còn chưa nghe đến loại rượu "Trúc Sơn tửu”. Nhưng có lẽ, trong một tương lai không xa đây sẽ trở thành một sản phẩm mang tính đặc trưng, tiêu biểu của huyện vùng cao Đà Bắc... Nó là sản phẩm được kết tinh từ cái tâm, cái chí của chàng võ sư trẻ Ngô Bách Nhật trên con đường khởi nghiệp nơi vùng quê nghèo còn nhiều gian khó...
(HBĐT) - Chưa đến 4 năm kể từ khi đặt những bầu giống đầu tiên, vùng dược liệu cà gai leo của huyện Yên Thủy đã tăng lên hàng trăm ha. Cà gai leo được trồng đến đâu, hướng sinh kế của nông dân được mở ra, trở thành "cứu cánh” của người nghèo. Cà gai leo Yên Thủy còn đạt được dấu mốc tự hào: không chỉ vững vàng vị thế trên thị trường nội địa mà đã có mặt tại 3 thị trường ngoài nước gồm Nga, Trung Quốc, Thái Lan. Người có công tạo dựng thương hiệu và đưa dược liệu cà gai leo Yên Thủy vươn xa là anh Bùi Quý Hợi (sinh năm 1983), Giám đốc HTX nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nông trường 2/9 Hòa Bình, nay là Công ty TNHH MTV 2/9 Hòa Bình, sau nhiều năm bôn ba làm ăn trong Nam, ngoài Bắc, năm 2006, anh Tạ Hữu Hậu trở về làm công nhân nông trường, tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ đơn vị.