(HBĐT) - Đền Đôi Cô Cửa Chương là điểm du lịch tâm linh, lịch sử nằm trong hành trình du lịch khu vực hồ Hòa Bình đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đền nằm trên địa phận xóm Mơ, xã Hiền Lương (Đà Bắc) bên dòng hồ sông Đà thơ mộng. Đến thăm đền Đôi Cô thi vị nhất là đi bằng đường thủy.


Đền Đôi Cô Cửa Chương, xóm Mơ, xã Hiền Lương (Đà Bắc) được xây dựng trở thành điểm du lịch.

Từ cảng Bích Hạ, TP Hòa Bình ngược hồ khoảng 7 km, phía tay phải ngã ba sông. Đến thăm đền Đôi Cô, ngoài việc vãn cảnh thơ mộng của hồ Hòa Bình, bạn còn được tìm hiểu về hai nữ tướng đã quên mình vì nước khi đang ở độ tuổi xuân nồng, tìm hiểu những trang sử hào hùng với giá trị nhân văn, văn hóa "tâm linh của người Việt”, hiểu thêm những biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc anh em sinh sống quanh khu vực thác Bờ xưa, cầu mong vị thần đem đến mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, xóm làng yên vui.

Truyền thuyết kể rằng: Vào thế kỷ XV năm 1431, vua Lê Lợi đưa hàng vạn quân men theo sông Đà, tiến đánh giặc ngoại xâm. Sông Đà gập ghềnh, trắc trở. Càng tiến sâu vào sông, đoàn quân của nhà vua gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhất là quân lương. Khi đến địa phận thác Bờ, địa hình vô cùng hiểm trở. Hai bên là vách núi dựng đứng. Dòng sông toàn đá xếp lô nhô. Nước chảy siết như muốn nuốt tất cả mọi thứ. Được tin nhà vua dẫn quân tiến đánh giặc ngoại xâm, bà Đinh Thị Vân - con gái của vua lang Mường cùng hai nữ tùy tùng đã đứng ra kêu gọi toàn thể thanh niên, trai tráng, phụ nữ trong bản làng chung tay, góp sức giúp đoàn quân nhà vua vượt mọi khó khăn để đánh đuổi giặc. Khi ấy, thanh niên, trai tráng chặt gỗ to, khoét thành thuyền độc mộc; chặt bương, tre đóng kết thành bè mảng làm phương tiện đưa đoàn quân nhà vua vượt qua thác ghềnh. Phụ nữ góp lương thảo, lúa, gạo, ngô, khoai tiếp tế lương thực cho đoàn quân tiến bước.

Với sự giúp đỡ của nhân dân các vùng do bà Đinh Thị Vân lãnh đạo cùng với ý chí, quyết tâm dũng cảm vì nước quên thân mà đoàn quân của vua Lê Lợi đã đánh giặc ngoại xâm tại Đèo Cát Hãn (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Với chiến thắng lẫy lừng, vua Lê Lợi đã cho thu quân về thác Bờ và san một bãi phẳng cạnh thác để khao quân, luyện võ. Nhà vua đã dùng thanh kiếm vạc đá khắc bài thơ ghi lại chiến công của quân và dân xứ Mường. Hiện nay, Bia Lê Lợi được lưu giữ, xây dựng trở thành điểm du lịch lịch sử tâm linh trên hồ Hòa Bình.

Niềm vui chiến thắng của đoàn quân chưa trọn vẹn khi nhận được tin báo thuyền của bà Đinh Thị Vân cùng hai nữ tùy tùng trên đường về gặp mưa to, gió lớn nên bị đắm, chìm trong dòng nước cuồn cuộn. Vua Lê Lợi đã lập chiếu thư cho toàn quân và nhân dân hai bên bờ sông Đà đi tìm thi thể bà Đinh Thị Vân và hai nữ tùy tùng. Sau vài ngày tìm kiếm, thi thể bà Đinh Thị Vân được tìm thấy tại luồng rừng, tức rặng đá thác Bờ. Nhà vua cho mai táng và lập đền thờ để phụng nhớ ghi công phong tặng là Chúa Thác Bờ. Thi thể hai tòng nữ của bà Vân dạt vào bến Chương, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc. Với tấm lòng trượng nghĩa vì nước quên thân đang ở độ tuổi trăng tròn, nhà vua đã lập đền thờ và phong tặng hiệu úy đền Đôi Cô Cửa Chương. Hiện nay, đền đã được xây dựng trở thành địa điểm du lịch lịch sử tâm linh trên khu vực hồ Hòa Bình.

 

                                                                                          L.C


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục