(HBĐT) - Như những người cầm bút khác, tôi thường bị cuốn hút bởi những vùng đất có nhiều trầm tích văn hóa. Từ khi về nghỉ chế độ, tôi đã trải nghiệm nhiều vùng đất khác nhau. Đối với tỉnh Hà Giang, hồi còn công tác, tôi đã đến, song chỉ giáp mặt một nửa cao nguyên đá Đồng Văn mà thôi. Cho nên với tôi, vùng đất ấy vẫn như có một ma lực cuốn hút.


Cột cờ Lũng Cú.

Số là năm 2003, tôi tham gia HĐND tỉnh Hòa Bình (khóa 1999 - 2004) và được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban Văn hóa - Dân tộc nên được tháp tùng ông Hà Công Dộng, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình lên với Hà Giang. Đoàn đã đến huyện Yên Minh để trao đổi, học tập kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ chỗ chủ yếu là chuyển cây anh túc sang trồng cây công nghiệp. Do có nét tương đồng giữa hai tỉnh, cùng được chia tách năm 1991 và có bà con dân tộc Mông cư trú. Từ thành phố Hà Giang qua Quản Bạ là tới huyện Yên Minh. ấn tượng chuyến đi còn lắng lại trong tôi là thị xã Hà Giang nhỏ bé, lặng lẽ hai bên bờ sông Lô. Tiếp nữa là nơi cổng trời Quản Bạ nhìn xuống thị trấn Tam Sơn có ngọn Núi đôi Cô Tiên mà tạo hóa đã ban tặng cho cao nguyên này. Đôi ngọn đầy đặn như ngực trần người con gái giữa một vùng lòng chảo, cuốn hút không biết bao nhiêu ống kính các nhiếp ảnh gia cũng như du khách trong và ngoài nước. Nét phồn thực giữa một vùng núi hoang sơ, cỏ cây, hoa lá!

Lá cờ đỏ sao vàng suốt ngày đêm tung bay trong nắng, mưa, gió rét ở Lũng Cú - nơi cực Bắc Tổ quốc đã bao năm ám ảnh tôi. Hơn thế nữa, cao nguyên đá Đồng Văn mới được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Địa chất toàn cầu (GGN) của Unesco công nhận là "Công viên địa chất toàn cầu” năm 2010, gần đây lại có lễ hội "Hoa tam giác mạch”… càng thôi thúc tôi sớm trở lại Đồng Văn. Vẫn biết, lên với cao nguyên Đồng Văn ngày nay đã có đường ô tô tới các xã nhưng vẫn cần có đủ sức khỏe để lên tới các điểm thăm quan, du lịch. Mặt khác, phải đi sớm để còn gặp mùa hoa tam giác mạch. Chuyến xe giường nằm khởi hành lúc đầu đêm từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe thành phố Hà Giang lúc mờ sáng, đã vượt qua trên 300km. Thật là kỳ thú và tiện ích - đi mà vẫn ngủ và sau giấc ngủ là tới được nơi mình đến.

Có được một buổi sáng mùa đông ấm áp, trời quang mây tạnh ở cao nguyên này quả là quý hiếm. Trưởng ban liên lạc họ Đinh tỉnh Hà Giang là ông Đinh Công Thụy giao trách nhiệm cho cháu là Đinh Công Thủy lái chiếc xe Innova, kiêm hướng dẫn viên du lịch, đưa chúng tôi lên thăm cao nguyên Đồng Văn. Được biết, trước năm 1960, người lên cao nguyên chỉ có thể đi bằng ngựa và ngựa là phương tiện duy nhất thồ hàng hóa cho Đồng Văn.

Với 1.300 thanh niên xung phong thuộc 6 tỉnh vùng Việt Bắc, hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc, với cuốc, xẻng, búa, xà beng, xe cút kít và với 14 thanh niên đã ngã xuống, lại bị bọn thổ phỉ phá hoại… năm 1960, tuyến đường dài 164km đã hoàn thành. Bác Hồ đã đặt tên cho con đường này là "Đường Hạnh Phúc”. Khó khăn nhất là đoạn 20km từ Đồng Văn đi Mèo Vạc. Ngựa cái leo trụy thai, ngựa đực leo tắt thở! Mã Pí Lèng trong tiếng Quan Hỏa nghĩa là "Sống mũi con ngựa”. Mã Pí Lèng được coi là "Vạn lý trường thành” của Việt Nam, được mệnh danh là "đệ nhất hùng quan”. Khi hoàng hôn xuống, đứng ở Mã Pí Lèng thật kỳ vĩ. Con sông Nho Quế như một vết rìu vạc dở dang vào thân cây đại thụ, sâu hoắm, xanh ngắt giữa lấp lánh tầng tầng đá vôi xám, lô xô mặt sóng ở một vịnh biển mà ta đã gặp đâu đó trên đất nước mình, cảm giác của du khách thật là ngọt lịm và ngây ngất!


Con đường hạnh phúc. 

Cách thị trấn Đồng Văn không xa là xã Sà Phìn - nơi có dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức. ông là người có ý thức tự chủ dân tộc, quyết tâm xây dựng cho mình một đế chế, với cương vực riêng trên cao độ 1.000 – 1.600m, diện tích cả vùng lên tới 2.356 km2. Tổ tiên ông vốn bị các triều đại Trung Hoa trước đây xua đuổi nên cha ông Vương Chính Đức trước đây từng nguyện ước cùng con cháu tìm tới vùng đất cao nhất, hiểm trở nhất để an cư lạc nghiệp và họ đã tạo nên cơ nghiệp ở vùng đất này. Khi được Bác Hồ giác ngộ, vì tuổi cao, Vương Chính Đức đã cho con trai thứ là Vương Chí Thành tham gia chính quyền cách mạng, là đại biểu Quốc hội khóa I và II. Dinh thự vua Mèo được đặt trên một gò đất mui rùa trong thung lũng, bốn bề núi đá vây quanh với diện tích khu dinh thự 3.000m2. Dinh thự có kiến trúc độc đáo, pha trộn 3 nền văn hóa: Trung Quốc, Mông và Pháp, với 64 phòng, đủ cho 100 người ở. Dinh thự đã được công nhận là di tích văn hóa quốc gia, năm 2004, gia đình Vương đã hiến tặng cho Nhà nước.

Ngoài dinh thự của Vương Chính Đức, ở Đồng Văn còn có khu nhà của Mùa Súa Páo - một tướng của vua Mèo - xây dựng năm 1935 tại thôn Lũng Cẩm, xã Sùng Là. Nơi đây đã khởi quay bộ phim "Chuyện của Pao”, được trao giải thưởng Bông Sen vàng năm 2006, gần đây là bộ phim "Lặng lẽ dưới vực sâu”.

Thăm quan các điểm du lịch ở đây, tôi chợt nhớ tới các nhà quan Lang trước đây ở Hòa Bình, khách thăm quan có thể tìm thấy ở đó những nét độc đáo về văn hóa, tập quán sinh hoạt… thời đó. Nên chăng trong tương lai cần phục dựng hoặc đưa vào quản lý, khai thác phục vụ các tua du lịch? Từ đây, càng cho thấy tiềm năng phát triển KT -XH của một địa phương quả là phong phú có cả quá khứ, hiện tại và tương lai, văn hóa vật thể và phi vật thể.

Điểm nhấn không thể bỏ qua khi lên đến Đồng Văn chính là cột cờ Tổ quốc ở xã Lũng Cú. Cột cờ được đặt trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) ở độ cao 1.470m, nơi "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”. Cột cờ được xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt (1019 - 1105). Lúc đầu cột cờ làm bằng cây Samu, sau nhiều lần phục dựng mới có cột cờ Lũng Cú sừng sững, ngạo nghễ giữa một vùng núi điệp trùng như ngày nay. Đường lên gồm 839 bậc, cán cờ 12,9 m, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 m2, cứ một tuần đến 10 ngày là phải thay cờ vì gió rất mạnh. ở đây có hóa thạch Bọ Ba Thùy - loại bọ sống dưới lòng đại dương. Phát hiện hóa thạch chứng minh rằng 500 triệu năm trước, khu vực này dưới lòng đại dương, quá trình tạo sơn nhô lên, hạ xuống của vỏ trái đất mới được như ngày nay.

Thay vì lên bằng xe điện, chúng tôi đi xe ôm của anh Vàng Púa Sua, dân tộc Lô Lô. Anh cho biết, từ sáng đây mới là chuyến đầu tiên đưa khách lên chân cột cờ và xóm anh có 90 hộ là người Lô Lô có một vật quý là 2 trống đồng 1 đực, 1 cái. Ngày có tang ma hai trống mới được gặp nhau. Tương truyền từ thời Tây Sơn, sau khi đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên 3 hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Bên kia bên giới là tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Đã cuối mùa hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá, cứ 3 tháng giống cây này lại cho thu hoạch. Có thể coi đây là cây lương thực xen canh gối vụ đối với 2 vụ ngô trên những hốc đá. Vẫn còn đâu đó những vạt hoa tam giác mạch khoe sắc rực rỡ như chiếu hoa mới hay những thảm len đa sắc, rất hấp dẫn đối với du khách. ở một ngã ba đèo dốc từ thị trấn Đồng Văn đi xã Lũng Cú có mô hình một chiếc khèn Mông, đâu đó trong phiên chợ, tiếng khèn vang lên réo rắt như mời gọi du khách qua đường. Tôi thầm ước lần sau sẽ vào với Mèo Vạc để biết thế nào là chợ tình Khau Vai.

Ngày nay, du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn là đến với vùng biên viễn - nơi cho thấy rất rõ: Nhờ cách mạng, nhờ Bác Hồ và sự nghiệp đổi mới mà có những đổi thay to lớn nhiều mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội... song vẫn giữ được bản sắc, nét thuần phát của người cùng cao.

Hơn 10 năm mới có dịp trở lại với cao nguyên đá Đồng Văn, những điều mắt thấy, tai nghe cho thấy những thành quả từ các chính sách, chủ trương đối với miền núi nói chung, vùng cao nói riêng của Đảng và Nhà nước vẫn là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của bà con các dân tộc. Điện, đường, trường, trạm và cụ thể hơn như bể nước, con bò, tấm lợp… vẫn thấp thoáng đâu đó dọc những nẻo đường, đèo dốc quanh co, hiểm trở.

Những mùa lễ hội lại mở ra, những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần cứ tới và du khách thập phương đua nhau lên với những điểm thăm quan du lịch của Đồng Văn. Người lên rồi người xuống, khách đến rồi đi, chỉ còn lại bà con các dân tộc: Mông, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Dáy, Cờ Lao… từ đời nọ sang đời kia vẫn gắn bó với vùng đất này. Vùng đất mà chỉ có đá là chủ yếu, cây ngô 2 vụ lớn lên trên hốc đá tai mèo là cây lương thực chủ lực. Đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của họ chắc sẽ phải cần nhiều hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sao cho những nguồn lợi được mang lại từ du lịch với những điểm nhấn đã nêu trên, đến với họ, bởi chính họ đã, đang và sẽ thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc.

 


                                                                    Đinh Đăng Lượng

Các tin khác


Đào Nhật Tân khoe sắc rạng rỡ trên cao nguyên Lâm Đồng

Lâm Hà – cái tên gợi nhớ đến Hà Nội và Lâm Đồng, là vùng đất mà người Hà Nội đã di cư vào từ những năm 1954. Nhờ có khí hậu tương đối mát mẻ nên loài đào Nhật Tân đã được di thực đến và gây trồng. Những ngày cuối năm, hoa đào chúm chím nở, khoe sắc hồng rạng rỡ tạo nên một khí Tết xứ Bắc nơi cao nguyên.

Hấp dẫn du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Đông Nam Á, là 1 trong 47 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng thủ đô, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình

Thăm Đà Lạt mùa hoa mai anh đào nở

(HBĐT) - Tạm biệt cái lạnh của mùa đông Tây Bắc, tôi chọn Đà Lạt là điểm đến trước khi xuân sang. Đặt chân xuống sân bay Liên Khương, không khí ấm áp, trong lành khiến chúng tôi cảm thấy hứng khởi, dễ chịu. Từ sân bay Liên Khương về trung tâm thành phố Đà Lạt, dọc hai bên đèo Prenn, trên các triền đồi ngoại ô bắt đầu xuất hiện những bông hoa mai anh đào khoe sắc.

Cảnh đẹp ở quê hương HLV Park Hang-seo

Quận Sancheong, phía tây tỉnh Gyeongsang Nam ở Hàn Quốc là chốn nghỉ chân lý tưởng, có nhiều phong cảnh đẹp và dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Việt Nam đứng thứ hai về lượng du khách tới Campuchia

Fresh News dẫn báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia công bố ngày 24-1, cho biết, nước này đón hơn 5,6 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2017, tăng 11,8% so năm 2016.

Cao Phong đất thiêng, người giàu ước mơ vươn tới

(HBĐT) - Nhiều năm, chúng tôi đã sống, làm việc, tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa và thưởng ngoạn cảnh quan môi trường huyện Cao Phong với những cảm xúc say mê, vùng đất, miền quê đã và đang trên đà phát triển của người Mường Thàng: với những quần thể chùa Khánh, đền Thượng Bồng Lai, hang động núi Đầu Rồng, đền Bơ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục