Đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) luôn thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái. ảnh: H.N.
Từ xa xưa, người dân nơi đây đã trình tấu, trình diễn trống đồng tế mẫu Hoàng Bà và đức Thánh Tản. Cũng từ đó đã nâng niu, bảo tồn hàng trăm chiếc chiêng " Vật báu hồn thiêng”. Hiện nay, nhân dân Cao Phong với hàng ngàn nghệ nhân lớp tuổi 60 - 70, 40 - 50 và lớp con cháu đang trân trọng lưu giữ và trình tấu, trình diễn gần một nghìn chiếc chiêng gia bảo rộn rã, thấm sâu vào lòng người trong những dịp đại lễ của tỉnh Hòa Bình.
Lên Chùa Khánh cầu lộc, cầu tài
Quý khách có thể đi qua vãn cảnh Cao Phong ràn rạt màu xanh cam, mía giàu vị ngọt lành rồi dồn bước chân đến chùa Khánh tọa trên đỉnh đồi Khánh thuộc xã Yên Thượng. Chùa Khánh có hệ thống tượng Phật bằng đá đã được khai thác từ hang động chưa hề có sự tạc, khắc từ bàn tay con người. Có lẽ vì vậy mà người Mường gọi là "Bụt mọc”.
Nơi đây không chỉ là cảnh quan, môi trường giàu tính thiêng, sâu đậm tình đất, tình người mà còn ngời ngời hào khí của khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên.
Những năm qua và hiện nay, mỗi năm có hàng vạn khách tứ phương đến thăm quan, vãn cảnh, thắp nhang bái Phật cầu lộc, cầu tài và tìm hiểu nghiên cứu những giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật đặc sắc, độc đáo giàu tính nhân văn và học tập tinh thần cách mạng ở nơi đây.
Vào đền Thượng Bồng Lai vãn cảnh, dâng hương trước tứ phủ Thánh Mẫu
Từ chùa Khánh "Bụt mọc”, du khách tiếp tục đi thăm quan, vãn cảnh đền Thượng Bồng Lai. Đền Thượng Bồng Lai gần như tựa lưng vào chân núi Đầu Rồng. Quý khách sẽ đi qua một vùng dào dạt màu xanh xen kẽ màu vàng của những vườn cam trĩu quả.
Đền Thượng Bồng Lai còn có tên là "Bồng Lai Linh Tử”, nơi thờ tứ phủ Thánh Mẫu linh thiêng mà nhân từ, bao dung thiên hạ.
Khu đền "Bồng Lai Linh Tử” được xây cất hài hòa, lộng lẫy theo kiểu dáng trồng diêm tám mái. Từ góc dưới của tám mái trồng diêm vút cong lên là những hình dáng đầu rồng uy nghi mà thanh thoát, tạo cảm xúc mạnh mẽ và niềm tin cho người đến dâng hương, thăm quan, vãn cảnh. Bên ngoài dựng cổng tam quan truyền thống và gác treo chuông để ít nhất mỗi ngày được rung lên ba hồi chuông kính bảo với tứ phủ Thánh Mẫu, với nhân dân và hàng trăm quý khách đã đến thăm quan vãn cảnh và cầu may, cầu phúc. Khu đền vừa lộng lẫy, uy nghi, vừa tạo cho du khách sự bình an, may mắn.
Quần thể hang động núi Đầu Rồng lung linh, huyền ảo
Sau khi dâng hương, bái lễ tứ phủ Thánh Mẫu ở đền Thượng Bồng Lai, nhiều du khách đã lên thăm quan, vãn cảnh, khám phá, chiêm ngưỡng quần thể hang động núi Đầu Rồng lung linh kỳ vĩ.
Một dãy núi lớn, dài như con rồng khổng lồ nằm bình thản nhưng oai phong chắn gió to, bão lớn bảo vệ phía đông nam thị trấn Cao Phong. Dãy núi Đầu Rồng mang trong mình rất nhiều hang động với vô vàn mầm đá, nhũ đá, dây đá,… với những màu sắc vàng, đỏ, trắng, xanh. Khi ánh sáng rọi vào, tất cả hiện lên lung linh, huyền ảo.
Các hang động núi Đầu Rồng đều là những kỳ quan được thiên nhiên ban tặng nên từ hàng ngàn năm trước đến ngày nay. Do không khí, ánh sáng trong hang sâu và những giọt nước từ đỉnh núi, vai núi mang theo bột đá rả rích, thánh thót rơi xuống tạo nên những bức tượng, tấm màn, những cột, mầm, dây thạch nhũ” trăm hình vạn dạng đã tạo nên những kỳ quan tuyệt vời. Nhờ vậy mà những hang động kỳ quan của núi Đầu Rồng được gọi những tên: Hoa Sen, Thạch Động, động Không Đáy, Phong Sơn Động, Nhãn Long Sơn Động, hang Nước, động Thanh Thủy,…
Cũng nhờ vậy mà hàng vạn năm qua đến ngày nay, các hang động núi Đầu Rồng vẫn lung linh, huyền ảo và trở thành những kỳ quan tuyệt vời của vùng đất thiêng, cộng đồng người nhân từ, cần mẫn, giàu khát vọng vương lên xây dựng, phát triển Cao Phong - Hòa Bình trở thành một vùng giàu đẹp.
NSƯT Bùi Chí Thanh
(Số nhà 6, tổ 1, P Chăm Mát, TP Hòa Bình)