(HBĐT) - Mảnh đất Kinh Môn hội tụ muôn hình sông, thế núi với những sử thoại bi hùng, những địa danh gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nước Việt đã đi vào huyền thoại. Ngoài cảnh quan thiên tạo kỳ thú, di tích quốc gia đặc biệt - quần thể danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào của tỉnh Hải Dương, mảnh đất xứ Đông văn hiến.

Vùng đất di sản

Điểm nhấn quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đền Cao nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Ngôi đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thấp hơn đền An Phụ chừng 50 m và cách khoảng 300 m ra phía trước là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng đá cao gần 13 m, thế đứng tay tì đốc gươm, tay cầm cuốn thư, mắt hướng ra nơi biên ải phía Đông Bắc của Tổ quốc. Công trình được khởi công năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên. Khu vực tượng đài có bức phù điêu bằng đất nung dài 45 m, cao 2,5 m, mô tả cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt.


Tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ. 

Nếu An Phụ nổi bật với các công trình lịch sử, văn hóa thì di tích Kính Chủ (xã Phạm Mệnh) nổi tiếng bởi danh thắng kỳ thú. Từ xưa, động Kính Chủ được xếp vào 1 trong 6 động đẹp của trời Nam. Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động ở sườn nam núi, qua 36 bậc đá mở ra với 3 cửa hang lớn. Với cảnh thiên nhiên như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. ở bên trái động có bốn chữ lớn "Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) là nơi đọc sách của Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, vị quan nổi danh thời Trần.

Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 40 văn bia ma nhai độc nhất vô nhị được tạc vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), chủ súy hội Tao Đàn khi ông đến thăm nơi này. Năm 2017, hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là nơi thắng tích, núi non kỳ vĩ với hàng chục hang động: động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối... Tại Nhẫm Dương, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều hiện vật khẳng định người Việt cổ đã định cư liên tục trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc phát hiện công cụ bằng đá của người Việt cổ cùng thời với văn hóa Hạ Long thuộc hậu kỳ đá cũ ở Nhẫm Dương cho thấy người tiền sử xuất hiện ở đây từ rất sớm.

ở đây còn có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần, là chốn tổ thiền phái Tào Động, từng góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê chứa xá lỵ đệ nhất tổ thiền sư Thủy Nguyệt và đệ nhị tổ Tông Diễn.

 Giá trị đặc sắc hiếm có 

Hình thành và phát triển trong không gian văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đại diện cho giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng điển hình vùng Đông Bắc.


Du khách thăm động Kính Chủ. 

Nơi đây là căn cứ quân sự hiểm yếu, cầu nối kinh tế, văn hóa, chính trị giữa kinh đô Thăng Long với Biển Đông và các quốc gia lân bang; là vùng đất địa linh gắn với tên tuổi các bậc vua chúa, văn nhân, danh sĩ như An Sinh Vương Trần Liễu, vua Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Quốc Dụng, Vũ Cán, tổ Thủy Nguyệt phái Tào Động, Đốc Tít... Nơi đây cũng gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc như chống quân xâm lược Nguyên Mông (thời Trần), chống quân Minh (thời Lê), 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ...

Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn là một trong những di tích tôn giáo, tín ngưỡng điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cả 3 di tích đều chứa đựng những cơ sở Phật giáo nổi bật như chùa Tường Vân (An Phụ), chùa Dương Nham (Kính Chủ), chùa Nhẫm Dương, thuộc dòng thiền Trúc Lâm và dòng thiền Tào Động. Đây là các dòng Phật giáo thuần Việt đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương cùng với Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Yên Tử, khu di tích nhà Trần (Quảng Ninh), tạo nên không gian văn hóa Phật giáo linh thiêng, đặc sắc ở vùng Đông Bắc.

Ngoài ra, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn có giá trị đặc biệt về cảnh quan và khảo cổ học. Đây đều là các di tích có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. ẩn sâu trong lòng núi đá là hàng loạt hang động với những nhũ đá hàng triệu năm tuổi. Hệ động vật phong phú với các loài sáo, dơi, khỉ, trăn, rắn, ốc núi… Thực vật có nhiều cây dược thảo quý có thể làm thuốc chữa các bệnh.

Mùa xuân là dịp du khách về thăm An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đông nhất. Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết: Lễ khai hội xuân Mậu Tuất 2018 sẽ được huyện Kinh Môn tổ chức vào ngày 23/2 (tức ngày 8 tháng giêng) tại đền Cao An Phụ. Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội mùa xuân năm nay sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc: Liên hoan diễn xướng hầu thánh, hội thi làm bánh chưng, bánh dày, bánh lòng tại đền Cao; thi đấu cờ tướng tại chùa Nhẫm Dương; giao lưu thơ tại động Kính Chủ…

Ngọc Hùng

 


Các tin khác


Phát triển tour du lịch tâm linh trải nghiệm Hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Khu du lịch hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước 8.000 ha. Hồ có nhiều đảo lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, gắn với các điểm du lịch tâm linh. Nhằm phát huy lợi thế, tỉnh Hòa Bình đã và đang đầu tư phát triển du lịch tâm linh trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình. Nhằm đưa du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đào Nhật Tân khoe sắc rạng rỡ trên cao nguyên Lâm Đồng

Lâm Hà – cái tên gợi nhớ đến Hà Nội và Lâm Đồng, là vùng đất mà người Hà Nội đã di cư vào từ những năm 1954. Nhờ có khí hậu tương đối mát mẻ nên loài đào Nhật Tân đã được di thực đến và gây trồng. Những ngày cuối năm, hoa đào chúm chím nở, khoe sắc hồng rạng rỡ tạo nên một khí Tết xứ Bắc nơi cao nguyên.

Hấp dẫn du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Đông Nam Á, là 1 trong 47 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng thủ đô, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình

Thăm Đà Lạt mùa hoa mai anh đào nở

(HBĐT) - Tạm biệt cái lạnh của mùa đông Tây Bắc, tôi chọn Đà Lạt là điểm đến trước khi xuân sang. Đặt chân xuống sân bay Liên Khương, không khí ấm áp, trong lành khiến chúng tôi cảm thấy hứng khởi, dễ chịu. Từ sân bay Liên Khương về trung tâm thành phố Đà Lạt, dọc hai bên đèo Prenn, trên các triền đồi ngoại ô bắt đầu xuất hiện những bông hoa mai anh đào khoe sắc.

Cảnh đẹp ở quê hương HLV Park Hang-seo

Quận Sancheong, phía tây tỉnh Gyeongsang Nam ở Hàn Quốc là chốn nghỉ chân lý tưởng, có nhiều phong cảnh đẹp và dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Việt Nam đứng thứ hai về lượng du khách tới Campuchia

Fresh News dẫn báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia công bố ngày 24-1, cho biết, nước này đón hơn 5,6 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2017, tăng 11,8% so năm 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục