Bái Nhạ (xã Ngọc Sơn) là một khu đồi rộng khá bằng phẳng, phía dưới là cánh đồng lúa, ngô, bãi mía, hồ nước được bao quanh bởi núi non hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây là địa điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động của môn dù lượn.
Với địa hình bằng phẳng, khung cảnh đẹp, trải dài khoảng 1 ha, đồng Bãi Bùi (xã Ngọc Lâu) trở thành điểm dừng chân, ngắm cảnh, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí như cắm trại, đốt lửa trại… của khách du lịch.
Đồi Thung (xã Quý Hòa) nằm ở độ cao trung bình gần 1.073m so với mặt nước biển. Đồi Thung có núi trập trùng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, cảnh vật hữu tình.
Một điểm du lịch hiện nay rất thu hút khách đến khám phá, tìm hiểu đó là thác Mu (xóm Mu, xã Tự Do). Thác Mu được hình thành bởi một con suối ngầm từ dãy núi hùng vĩ ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Trong thác còn có hang Mu với những tuyệt tác của nhũ đá. Với khung cảnh nguyên sơ, kỳ vỹ của núi rừng là một trong những tiềm năng lớn để huyện Lạc Sơn khai thác phát triển du lịch.
Bãi Bùi, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) là điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch.
Bên cạnh những tiềm năng về du lịch tự nhiên, huyện Lạc Sơn có hệ thống di tích lịch sử cách mạng. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 23 di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng. Chiến khu Mường Khói ở xóm Re, xã ân Nghĩa; Đài tượng niệm các liệt sỹ Tây Tiến ở xóm Châu Trang, xã Thượng Cốc; địa điểm thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình ở xóm Khị, xã Nhân Nghĩa…
Ngoài ra, huyện bảo tồn được nhiều hang động mang giá trị khảo cổ của người Mường cổ như: Mái đá làng Vành là di tích khảo cổ học cấp quốc gia, nằm ở chân núi Trắng thuộc địa phận làng Vành, xã Yên Phú. Hang Khụ Dúng là một trong những hang động đẹp tự nhiên của tỉnh Hòa Bình, đồng thời là di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hang Khụ Dúng thuộc xóm Vó, xã Nhân Nghĩa. Lạc Sơn còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống của người Mường như lễ hội chiêng Mường, lễ hội xuống đồng đu Vôi.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện đã mở được nhiều tuor du lịch sinh thái kết hợp với tham quan các khu di tích cách mạng, lễ hội, thu hút được lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, số lượng khách đến tham quan, du lịch chưa xứng với tiềm năng của huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã đón trên 20.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế trên 1.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4 tỷ đồng.
Đồng chí Bùi Thị Thủy, Trưởng Phòng VH-TT&DL huyện cho biết: Trong thời gian tới, để ngành du lịch phát triển, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch tại địa phương. Hiện nay, huyện đã thu hút được 3 nhà đầu tư vào quy hoạch, phát triển du lịch với nhiều hạng mục như đường, nhà vệ sinh, nạo vét hồ. Huyện ưu tiên nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các khu, điểm du lịch, khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng; tăng cường tập huấn về du lịch để các gia đình làm du lịch đảm bảo trình độ chuyên môn; xây dựng thêm các tuor du lịch, đặc biệt là điểm du lịch thác Mu, xã Tự Do tới các điểm du lịch trong huyện; tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch để quảng bá, kích cầu, thu hút đầu tư phát triển du lịch trong huyện.
Thu Thủy