(HBĐT) - Vẻ đẹp của thác Mu đã và đang thu hút du khách gần xa đến tham quan, mở ra hướng phát triển du lịch đầy hứa hẹn cho mảnh đất Tự Do còn nhiều gian khó. Không chỉ có thắng cảnh thác Mu, đến với xã Tự Do (Lạc Sơn) là đến với văn hóa Mường với nhiều giá trị truyền thống đang được bảo tồn, phát huy.


Hai năm trở lại đây, thác Mu thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.

Chúng tôi trở lại thăm thác Mu vào một ngày tháng 9, tiết trời dìu dịu của những ngày mùa thu. Con đường vùng cao ngoằn ngoèo, nay đã bớt đôi phần trắc trở. Đặc biệt là hơn 5 km đường độc đạo từ xã Ngọc Lâu vào Tự Do đã được rải cấp phối nên thời gian lên khám phá thắng cảnh này được rút ngắn đáng kể. Những ngày này, thác Mu nước tung trắng xóa. Đây là thời điểm nguồn nước chảy về thác lớn nhất. Nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông nên thác Mu được ví von như một "dải lụa trắng” uốn lượn giữa đại ngàn hùng vỹ. Dòng thác trải dài khoảng 100 m, trong đó, thác nước chính cao trên 10 m. Ngoài làn nước trong mát, khí hậu trong lành, thác Mu còn được "nâng sắc” bởi những thửa ruộng bậc thang. Đến với thác Mu còn là đến với văn hóa Mường. Những mái nhà sàn, bản Mường yên bình ẩn mình giữa núi non hùng vỹ đã mê hoặc du khách gần xa. Du lịch thác Mu đã và đang phát triển, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.

Theo chị Bùi Thị Him, cán bộ phụ trách du lịch cộng đồng xã Tự Do cho biết: Năm 2017, thác Mu được UBND tỉnh công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nên lượng khách đến thăm quan ngày một tăng, trung bình khoảng 2 vạn lượt khách/năm. Để đáp ứng nhu cầu của quý khách, từ năm 2012 có 4 hộ đã xây dựng homestay, đến nay, con số này tăng lên 10 hộ. Nhờ đó, lượng khách lưu trú ngày càng tăng, nhất là khách nước ngoài, bình quân từ 600 - 700 khách lưu trú/năm. Ngoài thắng cảnh thác Mu đã được nhiều du khách biết đến, ở Tự Do còn có nhiều địa điểm chưa được khám phá. Đó là thác Cao, cách trung tâm UBND xã 10 km, thác nước này nằm giữa núi rừng hoang sơ, nước chảy quanh năm. Với 98% dân số là bà con người Mường, Tự Do vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và ẩm thực đặc sắc. Đây chính là những yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng ở xã.

Xung quanh thác Mu, bà con xây dựng các lán, trại, bán nước giải khát, gà nướng và một số đặc sản khác của địa phương. Nhờ có thác Mu mà chị Bùi Thị Sáu, xóm Mu cùng nhiều người trẻ tuổi ở xã Tự Do không còn phải đi làm ăn xa, họ ở quê nhà làm du lịch. Chị Sáu chia sẻ: "Du lịch không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan mà còn là yếu tố quan trọng để chúng tôi gìn giữ, phát huy tốt hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Làm du lịch không vất vả như làm nông nghiệp mà thu nhập đem lại cao hơn hẳn. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, nhất là xây dựng hạ tầng thiết yếu để thác Mu ngày càng thu hút nhiều du khách đến thăm”.

ý thức được việc gìn giữ những giá trị truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, xóm Mu đã thành lập đội văn nghệ. Trong chuyến đi này, chúng tôi đến thăm homestay của gia đình anh Bùi Văn Lý và được thưởng thức những điệu múa truyền thống do đội văn nghệ xóm Mu biểu diễn. Anh Lý chia sẻ với đoàn chúng tôi nhiều chuyện vui sau vài năm làm du lịch. Đó là lượng khách đến thăm quan, lưu trú rất ổn định, họ hài lòng với dịch vụ và thích thú với những nét văn hóa, ẩm thực của người Mường nơi núi non hùng vỹ này. "Chúng tôi đang phục dựng nét văn hóa truyền thống và cố gắng đem đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất về bản sắc của người Mường. Đồng thời, đưa các sản phẩm du lịch của mình lên mạng xã hội vừa để quảng bá, vừa để thuận tiện cho du khách khi có nhu cầu lên thăm quan thác Mu”, anh Lý chia sẻ.

Con đường về Tự Do đang được thi công xây dựng, hành trình khám phá danh thắng này ngày một thuận tiện hơn. Cùng với đó là các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của du khách gần xa. Đây là điểm đến lý tưởng để tận hưởng không khí mát lành và trải nghiệm đời sống của người Mường ở nơi vùng cao hoang sơ.

Viết Đào

 



Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục