Du khách khám phá các cung đường, điểm đến hấp dẫn theo chương trình của A Páo homestay.
A Páo giới thiệu nơi nghỉ của du khách được homestay bố trí.
Thăm thú bản làng.
Trải nghiệm vẽ sáp ong.
Nắng, gió cùng cái lạnh chớm đông ở Pà Cò đã khơi nguồn cảm hứng để chúng tôi lên lịch trình trải nghiệm và ghé thăm homestay của A Páo. Đón chúng tôi ngay trước cổng dẫn vào homestay là Phàng A Páo với nụ cười sáng rỡ và lối ăn vận của chàng trai người Mông chính hiệu. Sau lời chào hỏi ân cần, A Páo đon đả mời khách vào nhà nghỉ ngơi, pha ấm trà nóng để cùng chuyện trò. Và giờ là lúc chúng tôi nghe anh giới thiệu, đồng thời có dịp quan sát không gian, kiến trúc của A Páo homestay. Lối kiến trúc homestay gần gũi với các ngôi nhà truyền thống của người Mông. A Páo bảo là người làm đầu tiên, vốn ít nên quá trình làm, anh mày mò tự thiết kế và bỏ nhiều công sức vào việc tận dụng các nguyên liệu gỗ, tre nứa, đá vốn gắn với bản sắc văn hóa của vùng đồng bào.
Tưởng đơn giản, chẳng cầu kỳ nhưng bằng chính những nguyên liệu và thiết kế, ý tưởng của riêng mình cộng với học hỏi làm du lịch cộng đồng ở những nơi khác, A Páo đã tạo dựng nên 1 homestay xinh đẹp, ấn tượng. Homestay có không gian hài hòa gắn với cuộc sống của người Mông, gần gũi với thiên nhiên và có đầy đủ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách ăn – ngủ - nghỉ. Bên cạnh đó, thiên nhiên, cuộc sống, con người nơi đây luôn đón chờ du khách tìm hiểu và thưởng ngoạn khi đến với A Páo homestay.
Homestay có các chương trình để du khách khám phá, trải nghiệm, trước tiên là buổi sáng thức dậy ngắm mặt trời mọc, thăm các đồi chè shan tuyết thơ mộng bạt ngàn, thăm vùng chè shan tuyết cổ thụ có tuổi thọ 3 – 4 trăm năm tuổi. Tiếp đó là đi qua rừng già, men theo các nương lúa để đến với các vườn đào, vườn mận của người Mông. Trở lại bản Chà Đáy, du khách ghé thăm và trải nghiệm, tham gia học vẽ sáp ong, nhuộm vải lanh, làm giấy dó, giã bánh dày… Nếu lên homestay vào mùa hè khi mận, đào cho quả chín, du khách sẽ được trải nghiệm thu hoạch, thi và có thưởng cho ai hái được nhiều quả nhất trong thời gian nhanh nhất. Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, các nương cải trổ hoa rực rỡ cũng là dịp du khách ưa thích khám phá.
Sau một ngày trải nghiệm với những cung đường, điểm đến đầy thú vị, du khách trở lại A Páo homestay để nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực của người Mông do các cô gái dày công chế biến. Đặc sản được du khách ưa chuộng nhất là gà do người Mông nuôi, lợn bản, thịt lợn, xúc xích lợn treo gác bếp, bánh dày, rau cải… đều là sản phẩm sạch do bà con làm ra và gia chủ chuẩn bị. Nếu lưu lại homestay vào buổi tối, theo yêu cầu của khách, chủ homestay đã chuẩn bị sẵn chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc với các hạt nhân văn nghệ trong bản giỏi múa hát, giỏi khèn. Về chốn ngủ, homestay có phòng nghỉ sạch sẽ, tiện nghi, đầy đủ đệm êm, chăn ấm.
A Páo Homestay mới đón khách lên đây du lịch trải nghiệm kể từ đầu năm 2018 đến nay. Phàng A Páo chia sẻ: Trước khi làm du lịch cộng đồng, gia đình chuyên tâm làm kinh tế địa phương, trồng chè, ngô, mận kết hợp nuôi con lợn, con gà. Mất hai năm tìm hiểu, nhận thấy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, anh đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của người Thái, người Mường, người Mông để vận dụng. Du khách đang ngày càng biết đến nhiều hơn và hài lòng bởi tinh thần phục vụ của A Páo Homestay. Là người làm trước, đi đầu, điều anh mong muốn để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách thì cần có thêm những homestay khác ở Pà Cò bởi hiện tại, nhất là dịch vụ ngủ lại tại homestay cao nhất mới chỉ đáp ứng được lượng khách nghỉ trên 40 người. Như vậy là chưa đủ và không đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách có số lượng lớn. Tâm tư anh cũng còn trăn trở tới đây được theo học các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề làm du lịch, được huyện, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho người dân 2 xã đặc thù người Mông khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng.
Bùi Minh