(HBĐT) - "Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây/ Có đường đi trên mây lên tới cổng trời/ Đây Hà Giang quê chúng tôi...”, những câu hát gọi mời của nhạc sỹ Thanh Phúc đã dẫn bước chân tôi đến với Hà Giang, vùng đất "phiên dậu” của Tổ quốc. Thời gian lưu lại không lâu nên không đến được tất cả những địa danh muốn đến. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để tôi lưu lại những cảm xúc đẹp về một miền đất.

Nơi chất ngất tiềm năng về du lịch

Vừa đặt chân tới Hà Giang, người đồng nghiệp của tôi ở Báo Hà Giang đã đưa lời gợi mở: Tới Đồng Văn, thăm Phố cổ, Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự vua Mèo, ngắm Cao nguyên đá, trải nghiệm "Con đường Hạnh Phúc”... hay rẽ Hoàng Su Phì để thưởng ngoạn cảnh sắc ruộng bậc thang - một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng? Thực sự đã đến nơi được gọi là "phiên dậu của Tổ quốc” thì địa danh đầu tiên mà tôi muốn tới là Cột cờ Lũng Cú và trải nghiệm "Con đường Hạnh Phúc”. Nhưng, vì điều kiện thời gian không cho phép nên tôi chọn ngã rẽ Hoàng Su Phì.

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, với độ cao trung bình trên 800 m so với mực nước biển. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp - đó là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp lên tới tận chân mây. Đây thực sự là một kiệt tác thiên nhiên và được biết kiệt tác này "Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì- Hà Giang” đã được Bộ VH-TT&DL công nhận, cấp bằng di tích cấp Quốc gia.


 

Ruộng bậc thang - kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho Hoàng Su Phì - Hà Giang.

Theo mạch "thuyết minh” của cô bạn đồng nghiệp thì đến Hoàng Su Phì, du khách còn háo hức với hành trình vượt nắng gió chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi, nằm ở độ cao 2.402 m so với mực nước biển, là một trong những ngọn núi cao thuộc dải Tây Côn Lĩnh. Ngoài khung cảnh núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh, nơi đây còn có khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi với một quần thể động, thực vật phong phú rất phù hợp các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá. Bên cạnh nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Dao, Mông, Nùng, Cờ Lao, La Chí…

Có tiềm năng, lợi thế và có sự định hướng kịp thời, sát sao của tỉnh, Hoàng Su Phì đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 với những kỳ vọng lớn. Mục tiêu được đưa ra là: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào tăng trưởng KT - XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân dân.

Biến tiềm năng thành thế mạnh, huyện Hoàng Su Phì đã và đang trong lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với doanh thu đạt khoảng 260 tỷ đồng vào năm 2021 và cán đích 1.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Và ấm áp tình người

Dù chưa được đến với Hà Giang nhưng qua những người bạn, tôi phần nào biết được rằng: Mặc dù có tiềm năng lớn về du lịch nhưng cuộc sống của đại bộ phận người dân ở nông thôn như ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn hay như ở chính Hoàng Su Phì màu mỡ này vẫn hết sức khó khăn. Quãng đường từ thành phố Hà Giang đến Hoàng Su Phì áng chừng chỉ trên dưới 60 km, nhưng chúng tôi nghỉ tới 2 chặng. Vừa để ngắm cảnh, vừa là tìm hiểu cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Chân chất, mộc mạc - đó là điều đầu tiên mà tôi cảm nhận khi tiếp xúc với người dân ở vùng đất này.

Có hơn tiếng đồng hồ nghỉ chân ở ở thị trấn Vinh Quang (trung tâm huyện Hoàng Su Phì) tôi rảo bước thăm thú để mong tìm thấy nét đặc trưng vốn có. Không phải ngày chợ phiên nên thị trấn thật sự yên bình. Ghé mua mấy trái táo, chị bán hàng đon đả: Mua đi em. Táo ngon lắm!

Tôi mau miệng hỏi thử: Táo này của Trung Quốc hay Việt Nam mình hả chị? Hỏi vậy, bởi theo tôi được biết thì Hoàng Su Phì cũng là một trong những huyện biên giới, có địa bàn giáp ranh với nước bạn Trung Quốc.

Chị bán hàng chững lại một lúc rồi thỏ thẻ: Nói thật là táo Trung Quốc em à. Táo mình cũng có, nhưng ít lắm. Ở đây có đông đảo khách du lịch nên các chị phải nhập táo vào thường xuyên mới có bán.

Thấy chị bán hàng ngồi ăn ngon lành chúng tôi cũng chụm đầu nếm thử. Sách túi táo đi rồi cô bạn đồng nghiệp mới chia sẻ: Chị ấy nói thật đấy! Người dân vốn thật thà, chất phác, không như ở những khu du lịch khác đâu. Tiếc là hôm nay không phải ngày chợ!

Ngày chợ mà cô bạn tôi nhắc đến là chợ phiên Hoàng Su Phì họp ngay tại thị trấn Vinh Quang, mỗi tuần họp một phiên vào ngày chủ nhật. Theo như lời cô bạn thì bà con ở các bản xa như bản Luốc, Sán Xả Hồ, Nậm Ty phải đeo gùi vượt hàng chục km đường núi mới tới chợ. Thế nhưng, tảng sáng, chợ đã tấp nập kẻ bán, người mua. Hàng hóa ở đây khá phong phú nhưng đa phần là sản vật của núi rừng hoặc do chính tay người dân bản địa làm ra. Người dân mang xuống chợ đủ thứ hàng hóa từ bó măng rừng, lọ mật ong, quả trứng, con nhím, trái hồng, rau, quả, vải thổ cẩm, chỉ thêu nhiều màu sắc… để bán và mua về những vật dụng gia đình như đôi dép, con dao, cái liềm làm nương rẫy. Chợ phiên Hoàng Su Phì lúc nào cũng rực rỡ sắc màu không chỉ bởi hàng hóa, nông sản mà còn "rực” bởi trang phục của đồng bào: Tày, Nùng, Dao, Mông, La Chí. Bà con ở đây đi chợ không chỉ để mua bán mà còn để giao lưu, chuyện trò, chính bởi vậy trang phục mặc đi chợ của họ cũng luôn được chú trọng.

Trọn một ngày lưu lại Hà Giang nhưng đất và người nơi đây đã để lại trong tôi những cảm xúc đẹp. Cảm xúc ấy đã níu chân tôi hẹn ngày trở lại!


                                                                           Thúy Hằng

 

 


Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục