Mai Châu Hideaway tại xóm Suối Lốn, xã Tân Mai, huyện Mai Châu là điểm du lịch đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách trên hồ Hòa Bình.
Hòa Bình là vùng đất giao thoa, kề cận với Thủ đô Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, giàu bản sắc văn hóa, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu trong lành, là những nguồn tài nguyên quý báu để phát triển các loại hình du lịch. Nền "Văn hóa Hòa Bình" có từ thời tiền sử, nổi tiếng với 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc Thái, Mông, Dao có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh có các khu bảo tồn thiên nhiên: Ngọc Sơn - Ngổ Luông thuộc huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, Thượng Tiến (Kim Bôi), Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu), Phu Canh (Đà Bắc) với hệ động, thực vật phong phú là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Trên địa bàn tỉnh có 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý, bảo vệ; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang được khôi phục và phát triển. Đặc biệt, Hòa Bình có hồ sông Đà là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia. Huyện Mai Châu được xác định quy hoạch điểm du lịch quốc gia. Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng đã và đang tạo sức hút cho du lịch Hòa Bình. Trong những năm qua, du lịch tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Số lượng khách và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 20%/năm, đóng góp nhất định trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Ngày 22/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết quan trọng này được xác định là "cú huých” đưa du lịch Hòa Bình cất cánh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, tăng cường công tác thông tin, quảng bá, thực hiện chính sách khuyến khích ưu đãi thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, nhất là khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đã được phê duyệt, điểm du lịch quốc gia huyện Mai Châu và một số địa phương trọng điểm khác.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng đường Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa, con đường chiến lược mở ra cánh cửa thu hút đầu tư lên hồ Hòa Bình. Một tín hiệu rất khả quan trong du lịch Hòa Bình khi có nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình và các địa phương như: Yên Thủy, Kỳ Sơn, TP Hòa Bình với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách các dự án đầu tư trọng điểm, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án theo cam kết. Đồng thời chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, liên kết hợp tác, kết nối thị trường xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch, hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, đô thị, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018. Hoạt động du lịch đang có chuyến biến tích cực. Chất lượng dịch vụ các điểm du lịch trên địa bàn được nâng lên đáng kể. Năm 2018, Hòa Bình đón 2,7 triệu lượt khách thăm quan du lịch. Trong đó, khách quốc tế 312.193 lượt người, thu nhập từ du lịch khoảng 1.520 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 844,898 tỷ đồng.
Hương Lan