Chúng tôi đến Lũng Vân vào đúng ngày thứ ba để có thể trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây khi tham gia phiên chợ mỗi tuần chỉ có một ngày ở ngay ở trung tâm cụm xã. Ngoài những nhu yếu phẩm thương lái mang về đây bán, đa số hàng hóa ở chợ là sản vật của địa phương, từ vải vóc, thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đồ đan lát thủ công, rau, củ, quả, ngọn su su xanh mướt, quýt cổ vỏ thơm lừng có vị chua dịu… của người dân các xã vùng cao Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơm, Bắc Sơn, Ngổ Luông mang đến...
Khung cảnh xã Lũng Vân ( Tân Lạc) đẹp như một bức tranh rực rỡ sắc mầu.
Rót tách trà nóng mời khách, xua tan cái lạnh giá mùa đông vùng cao, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân Hà Văn Khuê chia sẻ: Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân nơi đây còn nhiều vất vả, giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Củ nâu, củ vớn độn cơm ăn là chuyện thường ngày, Tết đến chỉ mong có miếng thịt để ăn cho đỡ thèm. Đổi thay của xã từ ý Đảng hợp với lòng dân. Xã vùng đặc biệt khó khăn 135 được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân đóng góp công sức làm đường giao thông thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, phát triển KT-XH. Đến nay, đường liên xã, đường đi các xóm được thảm bê tông, trải cấp phối phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Học tập các xã bạn, bên cạnh cây lúa, ngô truyền thống, người dân Lũng Vân phát triển các giống cây mới như quýt, su su lấy ngọn và các giống rau, màu vụ đông. Khác với các vùng khác, 2 giống quýt cổ và quýt ngọt Lũng Vân được thiên nhiên ưu đãi mọng nước, có mùi thơm, vị ngọt mát đặc trưng. Quýt cổ có vị chua dịu, vỏ rất thơm, người dân thường dùng để ngâm mật ong chữa ho hay phơi khô, treo gác bếp dùng để kho cá, làm nem vào dịp Tết. Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND xã Lũng Vân, trên địa bàn chỉ có Thung Tồm là có diện tích đất tập trung khoảng 20 ha, người dân đầu tư trồng ngô. Còn lại hầu hết các hộ có diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún, muốn phát triển thành các mô hình quy mô lớn rất khó. Nhưng bù lại, với thế mạnh khí hậu đặc trưng, người dân có thể trồng rau được quanh năm, sản xuất ra thực phẩm sạch đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã chỉ đạo người dân chuyển đổi tập trung trồng các loại rau, củ trái mùa để cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn FLC khảo sát trên địa bàn xã để đầu tư 20 ha trồng rau sạch hứa hẹn triển vọng phát triển kinh tế cho bà con.
Cùng với các giống cây chủ lực rau, củ, quả, cây có múi, từ năm 2017 đến nay, toàn xã phát triển trên 20 ha cây đào núi để bán cành, gốc dịp Tết Nguyên đán. Sở dĩ người dân đưa cây đào núi vào trồng vì loại cây này không phải đầu tư chăm sóc nhiều, tận dụng được diện tích đất kém hiệu quả để chuyển đổi. Vì vậy, cùng với diện tích đào núi sẵn có, cây đào đã được người dân đưa lên đồi, đưa xuống bãi, trồng ở vườn nhà để đáp ứng nhu cầu "chơi” đào ngày Tết của người dân địa phương và khách dưới xuôi lên ngày một tăng. Bên cạnh đó, xã sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Là trung tâm của 5 xã vùng cao của huyện Tân Lạc và có lợi thế về khí hậu, phong cảnh hữu tình, lưu giữ nhiều nét văn hóa bản sắc của dân tộc Mường có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã Hà Văn Khuê tự tin: Chỉ 2-3 năm nữa thôi, cuộc sống của người dân sẽ có sức bật mới từ việc chuyển đổi tư duy khai thác tiềm năng, thế mạnh để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến Lũng Vân bây giờ người dân không còn lo nhiều đến cái ăn, cái mặc nữa. Tết đến, xuân về, người dân tìm về chợ trung tâm cụm xã mua sắm, du xuân. Trong những ngôi nhà sàn truyền thống, bên bếp lửa hồng, già trẻ thưởng thức rượu ngô, cùng với những lời chúc tụng cho một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn là câu chuyện đầu tư phát triển kinh tế sao cho hiệu quả. Chia tay thung mây khi nắng vàng đã trải dài khắp các bản làng. Lác đác trên sườn đồi nụ đào đã chúm chím nở như khát vọng xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc của những con người hồn hậu chất phác nơi đây.
Hương Lan