Hiện nay, đi du lịch vào dịp Tết cổ truyền là trào lưu được nhiều gia đình, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn. Du xuân, vãn cảnh đón Tết ở vùng đất mới và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc được du khách trong nước và khách nước ngoài lựa chọn. Homestay là loại hình du lịch có sức hút đối với du lịch của tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 20 xóm, bản làm homestay của nhiều dân tộc như: Mường, Mông, Dao…Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán đón Tết khác nhau. Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả các bản homestay đều có đặc điểm chung là đón Tết cùng khách du lịch. Chủ homestay đã tạo được không khí đầm ấm, vui vẻ cho du khách, giúp họ cảm nhận như đang ở trong chính ngôi nhà của mình chào đón mùa xuân mới.
Thung lũng bản Mông thắm sắc hoa mỗi độ xuân về
Đó là cảm nhận của khách du lịch đến thung lũng Pà Cò (Mai Châu) mỗi dịp xuân về. Ngày xuân, cảnh sắc thiên nhiên Pà Cò như một bức tranh đẹp với gam màu trắng hồng chủ đạo. Hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc. Xã Pà Cò mới có một hộ làm du lịch cộng đồng, đó là gia đình anh Phàng A Páo. Homestay A Páo nằm ngay trên tuyến đường chính của xã Pà Cò. Đầu năm 2018, homestay này bắt đầu hoạt động nhưng đã hấp dẫn, làm nao lòng bao nhiêu người bởi nụ cười chân chất của người Mông. A Páo tạo cho du khách cuộc hành trình khám phá bản Mông huyền bí.
Vào mùa xuân, bản Mông Pà Cò có sức hấp dẫn đặc biệt bởi màu trắng hồng của hoa mận, hoa đào. Không khí xuân nơi đây đầm ấm, giản dị vô cùng. Để chuẩn bị cho gia đình đón Tết thật sung túc, những cô gái Mông sắm sửa đầy đủ trong phiên chợ cuối năm để mọi thành viên được diện đồ mới và mâm cỗ Tết thật sung túc. Độc đáo nhất trong Tết Mông là món bánh dày truyền thống. Những ngày đầu xuân, trong tất cả ngôi nhà người Mông đều vang vọng tiếng giã bánh dày. Tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt bên sườn núi.
"Ai cũng bảo Tết là ngày để sum vầy nên A Páo nghĩ khách dù là người Việt hay người nước ngoài khi tìm đến nhà mình vào ngày Tết là họ cần sự ấm cúng. Chính vì vậy, A Páo cùng khách du lịch cùng làm bánh dày, tham gia các trò chơi dân gian của người Mông. Dạy du khách thổi khèn và giới thiệu về văn hóa "bắt vợ” của người Mông cho du khách.” Phàng A Páo chia sẻ.
Linh thiêng Tết ở bản Mường homestay
Dân tộc Mường chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh. Người Mường Hòa Bình vẫn còn lưu giữ được những nét độc đáo trong phong tục, tập quán từng nếp nhà sàn, tiếng chiêng trầm bổng ngân vang khắp xóm làng.Ẩm thực người Mường cũng rất đặc sắc, làm nao lòng du khách. Phát huy những thế mạnh đó, một số bản homestay của người Mường phát triển mạnh như bản Mường Giang Mỗ, bản Ngòi, xóm Ải…Vào dịp Tết Nguyên đán, homestay của người Mường lúc nào cũng linh thiêng, trầm hùng vang vọng tiếng chiêng báo hiệu mùa xuân về. Các mế, các mẹ tấp nập chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Người phụ nữ Mường khéo léo lựa chọn những nguyên liệu ngon nhất để chế biến ẩm thực. Từ cách chọn lá rong để gói bánh chưng, bánh ốc, gạo để gói bánh và đồ xôi phải là gạo nếp nương…Tất cả được chuẩn bị chu đáo để đón Tết.
Khách du lịch được trải nghiệm gói bánh ốc tại bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) trong dịp Tết cổ truyền.
Đến thăm bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) một bản Mường làm homestay gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Bản Ngòi nằm ven hồ Hòa Bình, có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, bốn mùa nước trong xanh. Bản có 91 hộ dân, 100% là người Mường còn lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Tết Nguyên đán tại bản Ngòi có sự độc đáo của bản Mường nguyên sơ.
Anh Bùi Hiện - chủ một homestay chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán là thời gian để những hộ làm homestay như gia đình tôi có cơ hội quảng bá với khách du lịch những phong tục, tập quán của dân tộc mình. Trước Tết khoảng 2 tuần, gia đình tôi trang hoàng lại homestay. Từ công việc dọn dẹp đến chuẩn bị nguyên liệu làm các món ăn truyền thống được chuẩn bị chu đáo. Đêm 29 tháng chạp là đêm giao thừa (người Kinh là 30 tháng chạp) tiếng chiêng vang vọng từ các ngôi nhà người Mường để đón năm mới. Khách du lịch sẽ được đón Tết của người Mường tại bản Ngòi. Bên bếp lửa hồng, du khách được tự tay gói bánh chưng, nhảy sạp và say nồng bên chum rượu cần. Sáng hôm sau, những thượng khách của chúng tôi dạy sớm cùng chế biến những món ăn truyền thống dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó, cùng với phường bùa đi chúc Tết trong bản. Khắp bản Mường vang vọng tiếng chiêng trầm bổng.
Mùa xuân năm nay thật ý nghĩa đối với người dân xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) bởi khu du lịch cộng đồng Đá Bia vừa nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018 được trao tại diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2019.
Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN đã khẳng định chất lượng, sự chuyên nghiệp của khu du lịch cộng đồng Đá Bia đạt tiêu chuẩn ASEAN. Đây là cơ hội để Đá Bia quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, cuộc sống của người dân và các hoạt động trải nghiệm độc đáo tới du khách trong và ngoài nước.
Đá Bia là xóm du lịch cộng đồng của người Mường. Nơi đây được ban tặng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, không khí quanh năm mát mẻ. Những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Mường vẫn còn nguyên bản. Với những lợi thế đó, xóm Đá Bia đã khai thác và bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2008, dưới sự hỗ trợ của quỹ Australia vì nhân dân châu Á - Thái Bình Dương (AFAP). Hiện nay, Đá Bia có 4 hộ làm du lịch cộng đồng.Các dịch vụ ở đây luôn đạt tiêu chuẩn và đem đến sự hài lòng cho du khách.
Các hộ làm du lịch cộng đồng ở xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc)giới thiệu với khách du lịch về bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Các homestay ở Đá Bia tương đối giống nhau về vị trí và cách bố trí như sân, vườn, nhà ở đều có xu hướng mở và gắn với thiên nhiên. Homestay nằm giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng, muôn hoa khoe sắc… Bước vào ngôi nhà với khoảng sân rộng, trên nhà bài trí sạch sẽ, gọn gàng đã cuốn hút khách du lịch. Ngồi bên cửa voóng nhà sàn có thể nhìn xuống lòng hồ rộng mênh mang, nước trong xanh, mát rượi.
Chị Lò Thị Trang - chủ homestay ở Đá Bia chia sẻ: Để tạo sự gắn bó thân thiết với khách du lịch,gia đình tôi cùng du khách trải nghiệm các hoạt động chèo thuyền, chèo mảng, bắt cá, lên rừng hái măng, hái rau... Sau đó, hướng dẫn du khách chế biến các món ăn truyền thống như cá nướng, rau đồ, làm bánh. Khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, mọi người cùng nhau múa sạp, uống rượu cần. Cứ như thế khách du lịch và người dân trở nên gắn bó, thân thiết như người một nhà. Xóm Đá Bia trở thành địa chỉ hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi tự tin khi nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018.
Độc đáo Tết ở homestay bản Dao
"Chuẩn bị đón giao thừa, các thành viên trong gia đình mặc quần áo mới để đón năm mới. Tất cả quây quần bên bếp lửa. Thời khắc giao thừa đến, chủ nhà cầm ống nứa có 2 đầu hơ vào bếp lửa cho nóng già,đập xuống tạo thành tiếng nổ to.Tiếp đến, các thành viên khác cũng làm như vậy để đuổi cái xấu, vận hạn năm cũ đi, đón năm mới nhiều may mắn. Ngày mồng 1 Tết, tôi được anh Lý Văn Thu, chủ homestay Thành Chung đưa đi chúc Tết mọi người trong xóm và được ăn cơm do chủ nhà mời. Tất cả khách và chủ cùng nâng chén rượu chúc nhau sang năm mới sức khỏe, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Tôi chưa bao giờ được trải nghiệm đón một năm mới độc đáo như ở đây. Cảm ơn vì đã mang đến cho tôi những trải nghiệm này" - chị Louisa (Quốc tịch Anh) sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ.
Xóm Sưng (xã Cao Sơn, Đà Bắc) là xóm của người Dao Tiền có 3 hộ làm du lịch homestay. Theo năm tháng, người dân nơi đây giữ gìn, bảo tồn văn hóa của người Dao. Từ việc nhuộm chàm, dệt, thêu hoa văn váy, áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong cho đến những nếp nhà mái lá đơn sơ. Vào dịp Tết Nguyên đán, chủ yếu là khách nước ngoài đặt tour đến đón Tết tại bản. Du khách được trải nghiệm Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc văn hóa người Dao, được cùng chủ nhà chế biến món ăn, đi chúc Tết hàng xóm. Ngoài ra, khách du lịch còn được khám phá nết độc đáo trong Tết Nhảy của người Dao.
Xuân về trên bản homestay mang một vẻ đẹp riêng hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Chào đón mùa xuân ở các bản homestay với những bữa tiệc linh đình, chếnh choáng men say, tưng bừng lễ hội của các dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.