(HBĐT) - Mùa xuân tiết trời ấm áp, cả rừng tlau đua nhau đâm chồi, nảy lộc với sắc đỏ tía tràn đầy sức sống. Cuối mùa thu, khi những đợt gió lạnh tràn về, cả rừng tlau cũng đồng loạt chuyển sang sắc vàng đỏ và bắt đầu mùa lá rụng. Giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, một cánh rừng tlau hàng trăm năm tuổi vẫn ngày này qua tháng nọ đua sắc, sừng sững giữa "thảo nguyên" bãi Bùi thơ mộng. Nhiều người "phải lòng” rừng tlau đã ví von rằng, đây đích thị là một loại cây có họ hàng với loài cây phong lá đỏ nổi tiếng ở châu Âu xa xôi...
Chẳng ai biết rừng tlau có tự bao giờ
Chưa biết nhận định đó có đúng hay không nhưng tìm kiếm nhanh trên internet thì chúng tôi cũng nhận thấy những điểm tương đồng giữa rừng tlau của đồng bào người Mường trên xã vùng cao Ngọc Lâu (Lạc Sơn) với rừng phong lá đỏ nổi tiếng, nhất là hình dáng của chiếc lá. Cây tlau vốn là một loại cây quen thuộc trong đời sống của người Mường. Từ xa xưa, lá non của cây tlau đã trở thành một loại lá dùng để ăn ghém với một số loại thực phẩm, nhất là chấm dấm giút sau Tết của bà con người Mường. Tuy nhiên, những cây tlau cổ thụ giờ không còn nhiều, và một rừng tlau với hàng chục cây tlau nằm san sát nhau, kích thước vài người ôm thì lại càng hiếm. Có lẽ, chỉ ở xã vùng cao Ngọc Lâu của huyện Lạc Sơn còn bảo tồn được một rừng tlau cổ như vậy.
Rừng tlau này nằm ở xóm Khộp, với 67 cây tọa ngay trên bãi Bùi thơ mộng. Bãi Bùi là một bãi cỏ may khá bằng phẳng, rộng vài ha và là một điểm đến mới được du khách khám phá trong khoảng 5 năm trở lại đây. Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu Bùi Văn Huy cho biết: Từ xa xưa, bãi Bùi là nơi chăn thả gia súc của bà con địa phương. Trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ vùng cao không thể thiếu những kỷ niệm chăn trâu, chơi trốn tìm trên bãi Bùi, dưới những tán tlau cổ thụ. Xưa kia, trên bãi Bùi có đến gần trăm cây tlau nhưng do tuổi thọ, rồi bị đốn hạ đến nay còn 67 cây. Năm 2007, HĐND xã đã ra nghị quyết về bảo tồn những cây tlau cổ thụ ở bãi Bùi. Đến nay, "thảo nguyên” bãi Bùi đã trở thành niềm tự hào của người dân ngụ ở lưng chừng dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Không phải lần đầu tiên chúng tôi đến thăm bãi Bùi, thế nhưng, vào những ngày cận Tết, tiết trời se lạnh, cảnh sắc bãi Bùi cũng trở nên độc đáo hơn. "Đây là khoảng thời gian đẹp nhất để thăm quan bãi Bùi, vì cây tlau đang chuẩn bị rụng lá, lá cây đang chuyển sang sắc đỏ”, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Huy bộc bạch. Quả đúng như vậy, mùa này rừng tlau đẹp lạ lùng, sắc xanh mướt của ngày hè giờ lốm đốm chuyển sang vàng đỏ, tạo nên điểm nhấn ấm áp giữa đại ngàn. Giữa những làn gió mùa se lạnh, vỏ cây trông cũng rắn rỏi và xù xì hơn mọi ngày. Trong số 67 cây, hầu hết thân cây đều phải 2 người lớn ôm mới xuể. Thân cây tlau vươn khá dài, dễ to, khỏe như những loài cây sống trong rừng già. Trên thân cây, "màu” thời gian cũng hiện rõ với những hoa văn loang lổ của nấm và địa y, cùng với đó là những bụi tầm gửi cũng thuộc dạng siêu to khổng lồ.
Dưới những tán tlau, trên bãi cỏ may xanh mơn mởn, trâu, bò của người dân nhởn nhơ gặm cỏ. Một hình ảnh đầy hoài niệm khi mà hình thức nuôi nhốt gia súc đã trở nên phổ biến. "Việc định tuổi của những cây tlau này là rất khó. Từ bé tôi đã thấy những cây tlau to như hiện nay rồi. Trong xóm, có cụ năm nay 97 tuổi cũng cho biết, khi cụ sinh ra thì rừng tlau đã có như bây giờ. Hẳn, những cây tlau này phải đến hàng trăm năm tuổi rồi” - ông Bùi Văn Huân, một vị cao niên xóm Khộp chia sẻ.
Giữ cho muôn đời sau
Ngược về 2 năm trước, trong dòng ký ức của ngày đầu tiên đến với bãi Bùi. Đó là một bãi cỏ may rộng lớn, là một rừng tlau hoang sơ, bụi bặm. Còn hiện tại, dưới tán tlau đã có vài thùng đựng rác, trên những cành cây xù xì bà con buộc dây thừng to bằng chuôi dao để tạo ra hàng chục xích đu phục vụ du khách đến thăm quan, chụp ảnh. Ông Bùi Văn Nhe, xóm Khộp chia sẻ với chúng tôi rằng: Từ khi trở nên nổi tiếng, bãi Bùi đón nhiều du khách đến thăm quan, nhất là mùa hè. Nhiều cặp đôi cũng lựa chọn nơi đây để chụp ảnh cưới. Ông và bà con rất phấn khởi, mọi người nhắc nhau tự giác thu gom rác thải để giữ vệ sinh môi trường, đồng thời cho khách thuê xích đu chụp ảnh, vừa đi chăn trâu, lại vừa có thêm thu nhập. "Rừng tlau và bãi Bùi này không chỉ là nơi chăn thả gia súc, mà còn ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của chúng tôi. Do đó, chúng tôi sẽ giữ gìn cho các thế hệ mai sau” - ông Bùi Văn Nhe bộc bạch.
Phát triển du lịch đã bắt đầu manh nha, cùng với thắng cảnh thác Mu, rừng tlau trên "thảo nguyên” bãi Bùi cũng hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn trên vùng cao của huyện Lạc Sơn. Theo lãnh đạo UBND xã Ngọc Lâu, bãi Bùi đã được UBND huyện Lạc Sơn quy hoạch trong phát triển du lịch. Hiện nay, con đường về thăm quan bãi Bùi vẫn là đường cấp phối nhưng trong tương lai gần, con đường sẽ được cứng hóa khi dự án đường vùng cao Tân Lạc - Lạc Sơn được triển khai thực hiện.
Ngoài rừng tlau trên bãi Bùi, ở xã vùng cao Ngọc Lâu còn những điểm đến đầy hấp dẫn. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với giếng nước thần cũng ở xóm Khộp, hay hang Băng với cảnh sắc khá kỳ vỹ. Xã nằm ở độ cao trên 500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Cùng với đó là những mái nhà sàn nằm san sát giữa lưng chừng của đỉnh Trường Sơn. Con người thân thiện, cởi mở - Ngọc Lâu thực sự là một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách xa, gần. Nếu chưa có dịp ngắm rừng tlau trong mùa thay lá du khách có thể lên bãi Bùi khoảng thời gian sau Tết, khi tiết trời đã ấm áp, những cành tlau khẳng khiu sẽ đua nhau nảy lộc để ngắm sắc đỏ tía của lá tlau non điểm tô màu tươi non đầy sức sống giữa đại ngàn hoang sơ.
Viết Đào