(HBĐT) - Nằm ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển, Nam Sơn (Tân Lạc) được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái phong phú, với nhiều động, thực vật đặc hữu và hệ thống hang động dày đặc. Đặc biệt nơi đây còn đậm chất bản sắc văn hóa Mường truyền thống với những nếp nhà sàn nguyên sơ. Du khách đến với Nam Sơn được đắm mình trong không gian tĩnh lặng, tận hưởng khí hậu mát mẻ, từng bước khám phá những nét đẹp và đặc trưng trong bản sắc văn hóa nơi đây... Với những tiềm năng, lợi thế đó, Nam Sơn dần khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong các dịp nghỉ lễ, đặc biệt là mỗi độ xuân về.
Homestay Xuân Trường (xóm Chiến, xã Nam Sơn, Tân Lạc) chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đón khách du lịch dịp lễ, tết.
Men theo con đường bê tông dẫn vào xóm Chiến, chúng tôi cảm nhận rõ được sự thanh bình, tĩnh lặng của bản Mường nguyên sơ với những nếp nhà sàn san sát. Mùi hương thơm đặc trưng của quýt cổ thoang thoảng, phảng phất đan xen với một chút gió lạnh ngày xuân. Đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, ông Hà Văn Thuấn, chủ Homestay Xuân Trường cho biết: "Đối với người dân xóm Chiến, du lịch cộng đồng là hướng phát triển kinh tế khá mới mẻ. Chúng tôi hy vọng du lịch sẽ giúp khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Xóm có 74 hộ thì tất cả đều tham gia phục vụ du khách với các hoạt động như: hướng dẫn viên du lịch, trình diễn văn nghệ, cho thuê xe máy, xe đạp... Đặc biệt xóm có 3 cơ sở lưu trú du khách, mỗi hộ có thể đón tiếp từ 14 – 16 khách mỗi ngày. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, xóm Chiến đã đón khoảng 600 lượt khách lưu trú và hàng nghìn du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Bên cạnh du khách trong nước, nhiều khách du lịch đến từ các nước Anh, Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc...
Với sự hỗ trợ của tổ chức AOP (tổ chức phi Chính phủ của Ôxtrâylia), huyện Tân Lạc đã lựa chọn xóm Chiến, xã Nam Sơn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, từ khi đầu tư thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, cảnh quan môi trường trong xóm đã được cải thiện đáng kể. Xóm đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm, làm cho bộ mặt xóm thực sự đổi khác. Cùng với nguồn lực cho vay của dự án, các hộ dân đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa vừa giữ bản sắc nhưng cũng đầy đủ tiện nghi để phục vụ khách du lịch.
Anh Trần Khánh Hoàng, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tình cờ tham khảo được thông tin du lịch cộng đồng xóm Chiến trên mạng internet, gia đình tôi và một số người bạn đã sắp xếp ngày nghỉ để lên đây thư giãn, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đặc biệt thích thú khi đạp xe băng băng qua những bản làng người Mường, hít thở bầu không khí trong lành thật là dễ chịu và sảng khoái. Ngoài ra rất ấn tượng với nét duyên dáng của các cô gái Mường khi đón chúng tôi cùng với những chiếc chiêng cổ và nụ cười mến khách.
Cũng theo một số người dân xóm Chiến cho biết: "Du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng tại địa phương vào những ngày cuối năm đều rất ấn tượng với những vườn quýt cổ ngút ngàn, cây sai trĩu quả. Nhiều khách du lịch đã hóa thân vào những người nông dân để thu hoạch quả. Hoạt động này khiến họ rất thích thú và thu hút được nhiều du khách tham gia. Ngoài ra, khách du lịch quốc tế còn đặc biệt lưu tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Mường qua nếp nhà sàn, trang phục dân tộc và ẩm thực.
Với địa hình đa phần là đối núi cao hiểm trở, du khách ưa mạo hiểm đến với Nam Sơn sẽ được trải nghiệm, khám phá các cung đường uốn lượn bằng xe đạp. Thỏa sức trekking trên vách đá cheo leo bên triền núi hoặc xuyên qua những cánh rừng hay đắm mình vào những làn điệu múa sạp dập dình tiếng cồng chiêng đêm lửa trại. Bên cạnh đó, du khách còn có thể khám phá động Nam Sơn (hay còn gọi là động Tớn), một trong những Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ của các cột đá, nhũ đá, hồ nước đã được hình thành cách đây hàng trăm năm. Thỏa sức khám phá và trải nghiệm các hoạt động, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản của miền quê với các món ăn đậm bản sắc dân tộc như gà đồi, rau rừng, rau su su, nhưng đặc sản vùng miền. Nam Sơn hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ cho du khách trong nước và quốc tế.
Đức Anh
Ghi chép của Bình An
(HBĐT) - Mới đầu thu, tôi được tham gia đoàn công tác của các nhà báo Việt Nam đến thăm Nhật Bản, một trong những đất nước tôi vô cùng ngưỡng mộ bởi những tinh hoa, kỳ tích lớn lao…Thực tình, trong khoảng thời gian 5 ngày, nhờ hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, chúng tôi cũng đi được vài thành phố như Kiodo, Nara, Osaka… Dẫu vậy, cũng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa’. Nhưng những gì khám phá ở vùng đất Nara có thành phố Kashihara, cố đô cổ với tôi mới thật ấn tượng.
(HBĐT) - Công việc căng thẳng, không khí ô nhiễm, ngột ngạt… nhiều người muốn tìm nơi thư giãn hít thở không khí trong lành sau mỗi tuần làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế, thời gian để được đi du lịch. Do vậy, xu hướng du lịch tại chỗ hay du lịch gần chỗ ở là lựa chọn tối ưu nhất.
(HBĐT) - Trở lại xã Xuân Phong (Cao Phong) - nay là xã Hợp Phong sau sáp nhập, trong những ngày cuối đông, nơi được người dân ví von như "SaPa của Cao Phong”, cái rét "bủa vây” khiến chúng tôi xuýt xoa. Ở đó, có những con người hiền lành, chất phác và mến khách tạo thành hơi ấm của ngọn lửa sưởi lòng người trong giá rét. "Bản nghèo vùng cao này đã thay đổi nhiều lắm!” - ông Bùi Văn Phượng, Bí thư Chi bộ xóm Mừng chia sẻ.
Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ sẽ hỗ trợ Campuchia quản lý ngành du lịch, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông qua các dự án đầu tư.
Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, mà người dân thường quen gọi là Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành.
Hội hoa Xuân TP Hồ Chí Minh năm 2020 sẽ được tổ chức trong 12 ngày, từ ngày 19 - 30/1/2020 (tức ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch) để phục vụ người dân du Xuân, đón Tết Nguyên đán 2020.