Cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc ở Nha Trang đóng cửa. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Khách sạn bốn sao Vesna trên đường Trần Phú khá vắng vẻ. Tại quầy, lễ tân thi thoảng làm thủ tục nhận và trả phòng cho khách. Cao 28 tầng với 350 phòng, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 40 phòng đang vận hành, chủ yếu là khách Nga, Hàn Quốc và một số người Việt.
Khách sạn vào hoạt động hồi tháng 2/2019, giá trung bình 1,2-1,4 triệu đồng một phòng; có khi cao điểm, các phòng hoạt động gần 90%. Hiện nay, phòng giảm xuống 800.000 đồng một ngày, song ít khách thuê lưu trú.
Từ hôm 26/1 đến nay, có hàng trăm tour du lịch trong và ngoài nước, nhất là đối tác Trung Quốc đặt phòng đã thông báo hủy. "Chúng tôi đã nhận hơn 3 tỷ đồng từ hợp đồng đặt phòng, nhưng giờ phải trả lại cọc vì khách không đến", ông Đỗ Xuân Tạo, chủ khách sạn Vesna nói.
Mỗi ngày, khách sạn phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để vận hành cùng các chi chi phí điện, nước cùng lương cho gần 140 nhân viên. Tuy nhiên, tình trạng không có nguồn thu kéo dài, chủ khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự.
Khách sạn Nha Trang Horizon, một trong những doanh nghiệp bị thiệt hại khá nặng khi ngừng hoạt động với du lịch Trung Quốc. Tại đây, có 210 nhân sự, họ phải cho một số người tạm nghỉ.
Ngành du lịch của Khánh Hòa gần như đóng băng. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, thuê xe du lịch cũng rơi vào cảnh tương tự. Là công ty chuyên cho thuê xe, tổ chức du lịch - anh Đỗ Thành Quân, 36 tuổi khá lo lắng trước thực trạng vắng khách.
Khách sạn khử trùng phòng chống dịch nCoV. Ảnh: An Phước. |
Hôm qua, hai đoàn khách Hàn Quốc dự kiến đến Nha Trang du lịch, nhưng đã thông báo hủy thuê ôtô. Công ty anh Quân phải hoàn tiền cọc. Còn phòng kế toán thì báo rằng, gần tuần nay các tour liên tục điện thoại, gửi thư hoãn du lịch và thuê xe vì lo sợ nhiễm virus nCoV.
Với 15 ôtô (loại 16-29 chỗ) cùng 20 nhân viên, mỗi tháng công ty phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng để vận hành. Từ đầu tháng 2 đến nay, các xe phải nằm bãi. Trong khi, kinh phí mua xe anh phải vay ngân hàng, mỗi tháng trả khoảng 170 triệu từ lãi đến gốc.
"Nhân viên làm việc với mình cũng hơn sáu năm nay, không thể để người ta nghỉ việc. Nếu tình cảnh này kéo dài, chúng tôi sẽ gặp khủng hoảng", anh Quân nói và cho hay, công ty đang sử dụng vốn lưu động để trang trải mọi thứ và tiền lương.
Ngoài ra, hàng loạt cửa hàng chuyên bán cho khách Trung Quốc tại trung tâm thành phố sau Tết vẫn chưa mở cửa. Nhà hàng, quán ăn vắng vẻ, ảm đạm. Dọc đường Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, nhiều cửa hàng đã đóng cửa, căng biển cho thuê mặt bằng. Còn những điểm đến nổi tiếng ở Khánh Hòa luôn trong tình trạng vắng vẻ, so với trước đây đông nghẹt. Một số khu du lịch đã thông báo tạm đóng cửa.
Ông Trần Việt Trung (Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa) cho hay, Khánh Hòa có hơn 770 cơ sở lưu trú dịch vụ với khoảng 42.470 phòng. Hiện nay, các khách sạn rơi vào tình cảnh cung cầu mất cân đối. Sở rà soát và ghi nhận lại những khó khăn của các doanh nghiệp để có kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ.
Những khó khăn trước mắt cũng là cũng là thách thức để ngành du lịch địa phương phải cơ cấu lại thị trường khách quốc tế. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng du lịch và không bị động vào một thị trường khách Trung Quốc, như hiện nay.
Tháp bà Ponagar vắng khách đến tham quan do ảnh hưởng dịch viêm phổi. Ảnh:Xuân Ngọc. |
Về giải pháp của ngành sẽ rà soát các cơ sở lưu trú. Nơi nào đủ điều kiện thì đưa vào hoạt động, những khách sạn chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn thì đưa lên cổng thông tin của ngành kèm danh sách để khách tham chiếu, lựa chọn. Trường hợp khách sạn không đảm bảo điều kiện, mạo nhận sao thì xử lý. Từ đó, những khách sạn sai phạm, chây ì không khắc phục sẽ dần bị đào thải.
Năm 2019, địa phương đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế thì khách Trung Quốc chiếm đến 70% (hơn 2,4 triệu lượt). Doanh thu của ngành du lịch trong năm này hơn 27.000 tỷ đồng, tăng hơn 24%.