(HBĐT) - Bây giờ, đường lên bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã được trải bằng bê tông. Xuân sang, hàng cây hai bên đường ngát xanh, đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Cuộc sống nơi đây đang từng ngày đổi thay, nhìn rõ nhất là diện mạo một bản du lịch cộng đồng mang vẻ đẹp nguyên sơ.

 

Du khách nước ngoài dừng chân khám phá và thích thú với nghề dệt thổ cẩm của người Dao

Đánh thức đại ngàn

Từ xa xưa, cộng đồng người Dao tiền nơi đây gắn bó với núi, với rừng. Nhà trệt vách đất hoặc làm bằng ván gỗ dựng lên giữa lưng chừng đồi, núi. Phần mái nhà nguyên bản lợp bằng lá cây cọ mọc trong rừng. Đời sống của bà con chủ yếu tự túc, tự cấp. Nguồn thu nhập phụ thuộc vào trồng lúa nương, sắn, chè và nuôi thêm lợn, gà. Nhắc đến bản Sưng hồi ấy, người ta thường nghĩ đến cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu khi nhìn xung quanh bốn bề chỉ thấy núi, thấy rừng, đường về trung tâm xã vốn đã tít tắp xa lại cheo leo, ghồ ghề sỏi, đá.

Cuộc sống cứ thế chầm chậm trôi cho đến một ngày, cán bộ tổ chức AFAP Việt Nam đến bản Sưng, nhận thấy ở đây có những tiềm năng có thể biến những bất lợi thành lợi thế, đó là tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo... Với sự giúp đỡ nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo lâu dài của Dự án này, lần đầu tiên, người Dao bản Sưng biết làm du lịch, lựa chọn đường hướng phát triển du lịch cộng đồng.

Giữa năm 2017, du lịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành ở bản Sưng. Anh Lý Văn Thu, một trong những người Dao đầu tiên làm du lịch ở bản chia sẻ: Dự án đã tuyên truyền, vận động chúng tôi thay đổi tư duy, nhận thức, hỗ trợ về tài chính và tận tình tư vấn về kỹ thuật để có thể tự tin trên bước khởi đầu. Vừa tiến hành, chúng tôi vừa học hỏi cách làm để hoàn thiện mình hơn.

Trải nghiệm 1 ngày ở bản Dao

Chỉ chưa đầy 3 năm, du lịch cộng đồng bản Sưng đã để lại dấu ấn riêng, hút khách, nhất là du khách nước ngoài. Anh Quân, hướng dẫn viên du lịch nhiều lần đưa khách đến trải nghiệm ở bản Sưng tiết lộ: Khách vô cùng thích thú khi đặt chân đến nơi này. Có 3 yếu tố hấp dẫn khách, đặc biệt khách quốc tế, trước tiên là ở đây cảnh vật núi rừng hoang sơ, chưa có sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Thứ hai, phong tục, tập quán của người Dao tiền vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn. Thêm vào đó, người dân bản xứ vô cùng thân thiện, dễ mến.

Trải nghiệm một ngày ở bản Dao bắt đầu bằng việc thăm quan, tìm hiểu đường đi, lối lại, cuộc sống thường nhật của người dân, chiêm ngưỡng cây trò vài trăm năm tuổi ở ngay bên đường vào bản. Buổi trưa, du khách nghỉ ngơi, dùng bữa tại các homestay. Anh Robert, du khách đến từ thủ đô London, nước Anh rất thích dùng ẩm thực của người Dao. Anh cho biết: Món ăn địa phương tuy dân dã, không chế biến cầu kỳ nhưng tôi ăn thấy ngon miệng. Các món ẩm thực được người dân thay đổi từng bữa trong ngày như trưa dùng gà, thịt lợn, đậu phụ sốt, măng rừng, bữa tối thì ăn cá nướng...

Sau thới gian nghỉ ngơi, du khách khám phá hang Sưng trên núi cách bản khoảng 500 m. Đây là hang nước dài vài trăm mét, vòm hang cao và rộng, trong có dòng suối chảy qua, là nơi mà du khách được trải nghiệm lội suối, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lấp lánh của nhũ đá muôn hình, muôn vẻ do thiên nhiên ban tặng. Tiếp đó, khách ghé thăm đồi chè shan tuyết cổ thụ ngót trăm năm tuổi. Trở về bản, du khách tiếp tục có những trải nghiệm mới, đó là cùng bà con cấy lúa, trồng rừng, chăn nuôi, xem người Dao làm các món ẩm thực như rượu hoẵng, thịt chua, nhuộm chàm, dệt thổ cẩm. Khi trời nhập nhoạng tối, du khách trở lại homestay để nghỉ ngơi trong những ngôi nhà truyền thống bày trí tối giản, đủ màn, chăn, ga, gối đệm. Dùng bữa tối và thưởng thức các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ bản Dao biểu diễn.

Đổi thay từ khi làm du lịch cộng đồng

Chị Lý Sao Mai, người bản Sưng, hiện là điều phối viên Công ty du lịch cộng đồng Đà Bắc cho biết, sau 3 năm, trước hết là về tư duy, người Dao đã nhận thức du lịch là nghề mới mà qua đó, không những đời sống kinh tế được mở mang, cải thiện mà nét văn hóa đặc sắc của người Dao được giới thiệu tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Từ một nơi không mấy ai biết đến, bản Sưng đã trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá các bản làng du lịch cộng đồng ở Hòa Bình. Vẫn với vẻ đẹp rất hoang sơ, nhiều du khách đến từ Anh, Úc, Thụy Sỹ, Canada... không cưỡng nổi sức hút bản Sưng. Chị Megan, đến từ thành phố Melbourne (Úc) thích thú: Nhất định tôi sẽ quay trở lại nơi này, ngoài cảnh sắc tự nhiên, với tôi, khoảnh khắc ghi lại hình ảnh được mặc những bộ quần áo người Dao, cùng bà con hái chè, lội suối mãi là những kỷ niệm đẹp.

Bản Sưng có hơn 70 hộ dân thì có 56 hộ tham gia làm du lịch chia thành các tổ nhóm như: tổ nhóm ẩm thực, tổ nhóm văn nghệ... Có 3 homestay cung cấp dịch vụ ăn - ngủ - nghỉ phục vụ khách lưu trú. Được tập huấn, thăm quan học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở các nơi khác nên cách làm du lịch của bản tiến bộ trông thấy. Mặt khác, các homestay ở đây cũng được hỗ trợ trang bị một số công trình phục vụ du lịch như nhà vệ sinh công cộng, nơi đỗ xe để du khách sinh hoạt, lưu trú thoải mái hơn. Bà con nơi đây xác định, muốn du lịch cộng đồng phát triển kéo theo cuộc sống nâng lên lên thì không để các yếu tố bên ngoài tác động làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ vốn có. Phong tục tập quán phải được gìn giữ nguyên vẹn từ kiến trúc nhà ở, lối sinh hoạt, lời ăn tiếng nói...

Lượng du khách đến trải nghiệm, khám phá bản Dao đang ngày một tăng lên, khoảng 80% lượt du khách là người nước ngoài. Bình quân mỗi năm, bản Sưng đón 900 - 1.100 lượt khách, trong đó có 500 - 600 lượt khách lưu trú. Thông qua con đường du lịch, những sản phẩm do bà con làm ra như chè shan tuyết, rượu hoẵng, hàng thổ cẩm được giới thiệu, quảng bá, có sức tiêu thụ tốt giúp kinh tế của bà con dần khấm khá. 

                                                                                    Bùi Minh


Các tin khác


Hà Giang ơi… “Đất đã hóa tâm hồn”

(HBĐT) - Đến đây, tôi mới thực sự hiểu tại sao nhiều người lại yêu Hà Giang đến thế!Từ thành phố Hà Giang, chúng tôi ngược lên phía Bắc, bắt đầu hành trình hướng tới cao nguyên đá Đồng Văn - di sản Công viên địa chất toàn cầu trải dài qua địa bàn bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Cả bốn huyện đều nằm trên quốc lộ 4C - còn được biết đến với cái tên đặc biệt: Con đường Hạnh Phúc.

Kashihara – Vùng đất cố đô Nhật Bản                                                                                    

Ghi chép của Bình An

(HBĐT) - Mới đầu thu, tôi được tham gia đoàn công tác của các nhà báo Việt Nam đến thăm Nhật Bản, một trong những đất nước tôi vô cùng ngưỡng mộ bởi những tinh hoa, kỳ tích lớn lao…Thực tình, trong khoảng thời gian 5 ngày, nhờ hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, chúng tôi cũng đi được vài thành phố như Kiodo, Nara, Osaka… Dẫu vậy, cũng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa’. Nhưng những gì khám phá ở vùng đất Nara có thành phố Kashihara, cố đô cổ với tôi mới thật ấn tượng.

Xu hướng du lịch cho người bận rộn

(HBĐT) - Công việc căng thẳng, không khí ô nhiễm, ngột ngạt… nhiều người muốn tìm nơi thư giãn hít thở không khí trong lành sau mỗi tuần làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế, thời gian để được đi du lịch. Do vậy, xu hướng du lịch tại chỗ hay du lịch gần chỗ ở là lựa chọn tối ưu nhất.

Xuân về trên bản Mừng

(HBĐT) - Trở lại xã Xuân Phong (Cao Phong) - nay là xã Hợp Phong sau sáp nhập, trong những ngày cuối đông, nơi được người dân ví von như "SaPa của Cao Phong”, cái rét "bủa vây” khiến chúng tôi xuýt xoa. Ở đó, có những con người hiền lành, chất phác và mến khách tạo thành hơi ấm của ngọn lửa sưởi lòng người trong giá rét. "Bản nghèo vùng cao này đã thay đổi nhiều lắm!” - ông Bùi Văn Phượng, Bí thư Chi bộ xóm Mừng chia sẻ.

Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ hỗ trợ Campuchia phát triển du lịch

Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ sẽ hỗ trợ Campuchia quản lý ngành du lịch, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông qua các dự án đầu tư.

Rực rỡ sắc màu chợ hoa truyền thống trên phố cổ Hà thành

Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, mà người dân thường quen gọi là Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục