Chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thủy) là điểm đến hấp dẫn của nhiều phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh.
Chùa Tác Đức tọa tại xóm Đình A, xã Lạc Thịnh là ngôi chùa cổ mà các phật tử đều mong muốn được một lần tới chiêm bái. Vào ngày lễ Phật Đản, Vu lan báo hiếu, dịp đầu năm..., chùa Tác Đức trở thành điểm đến của nhiều phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh đến lễ phật, cầu bình an. Ngôi chùa đã cùng con dân đất Mường trải qua nhiều biến cố lịch sử. Xưa kia, chùa được dựng bằng tranh, tre, mái lợp gianh, thờ duy nhất một cột đá (người Mường gọi là bụt mọc). Giữa thế kỷ XX, chùa được người dân dựng lại bằng gỗ, mái lợp ngói. Các cột của chùa được làm bằng gỗ lim. Cột được chôn dưới đất như chân nhà sàn của người Mường. Trong chùa có một ban thờ trên thờ cột đá… Trải qua những năm tháng chiến tranh, hòa bình lập lại, năm 1990, người dân trong vùng đóng góp và xây dựng lại chùa. Ngôi chùa có kết cấu kiểu chuôi vồ, gồm nhà tiền đường và thượng điện. Trước và sau chùa đều có cây cổ thụ vài trăm năm tuổi quanh năm tươi tốt, tạo không gian yên bình, thanh tịnh.
Hiện nay, huyện Yên Thủy có 12 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Nhận thấy vị trí, tầm quan trọng của các di tích, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vào các khu di tích để tạo điều kiện cho người dân, du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái được thuận tiện hơn; trùng tu tôn tạo di tích để thu hút khách du lịch. Trong năm 2019, bằng nguồn vốn và nguồn xã hội hóa, huyện Yên Thủy đã đầu tư xây dựng nhà đại bái đình Thượng, xã Yên Trị với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng; tu sửa đình Thung - phủ thung xã Ngọc Lương với tổng mức đầu tư trên 100 triệu đồng; tu sửa đình Trung, xã Yên Trị với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Trọng Thủy, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Nhằm khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 21/4/2017 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Yên Thủy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực, hợp tác đầu tư phát triển các hoạt động du lịch theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tích cực xây dựng những tuyến du lịch hợp lý. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch có chuyên môn cao. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.
Năm 2019, Yên Thủy trở thành điểm đến lý tưởng của những người đam mê nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng. Trong năm, huyện đón 34.000 lượt khách đếm thăm quan, trong đó, khách nội địa 33.800 lượt người, khách quốc tế 200 lượt người; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 12 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cởi mở để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Thu Thủy