(HBĐT) - Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, huyện Lạc Sơn thuộc Cụm du lịch Mai Châu - Tân Lạc - Lạc Sơn - Cao Phong. Với tài nguyên sinh thái phong phú và nổi bật, nhiều sản phẩm đã định hướng đưa vào khai thác, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng được lựa chọn là điểm nhấn du lịch ở vùng đất cổ Mường Vang.


Thác Mu với phong cảnh tuyệt đẹp là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch sinh thái ở xã Tự Do (Lạc Sơn).    

Đến với các xã vùng cao của huyện như Quý Hòa, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do, du khách hẳn sẽ choáng ngợp trước thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Có những chốn dừng chân khó cưỡng như điểm nhảy dù lượn Bá Nhạ thuộc xã Ngọc Sơn. Đây là khu đồi rộng trên cao khá bằng phẳng, phía dưới là đồng lúa, đồng ngô, bãi mía, hồ nước, được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp, cánh rừng nguyên sinh dài như vô tận. Tiếp đó là đồng Bãi Bùi - xã Ngọc Lâu với khung cảnh thơ mộng, trải dài hàng ha, có lợi thế nằm trên tuyến trekking Ngọc Sơn - Ngổ Luông - Cúc Phương. Lên cao hơn nữa, du khách sẽ đến với danh thắng thác Mu - xã Tự Do, được hình thành bởi con suối ngầm từ dãy núi hùng vĩ độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Một địa chỉ du lịch gần đây được nhiều người ưa thích trải nghiệm là đồi Thung - xã Quý Hòa với cảnh vật hữu tình, nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường còn được giữ gìn nguyên vẹn.

Những năm gần đây, các điểm đến đồng Bãi Bùi, điểm nhảy dù lượn Bá Nhạ, đồi Thung, thác Mu... ngày càng được biết đến trên bản đồ du lịch. Trong đó, khu vực đồng Bãi Bùi thu hút nhiều bạn trẻ đến ngắm cảnh, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí như cắm trại, đốt lửa trại... Đồi Thung với khí hậu cao nguyên, thiên nhiên yên bình, môi trường sinh thái núi đồi lý tưởng để phát triển các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Riêng thác Mu với khung cảnh nguyên sơ đã, đang được khai thác khá hiệu quả về du lịch, hình thành cơ sở lưu trú là các homestay đáp ứng nhu cầu của khách nội địa và khách nước ngoài. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng như hồ Re - xã Ân Nghĩa, hồ Cánh Tạng - xã Yên Phú, hồ Khả - xã Quý Hòa. Các danh lam thắng cảnh hang Đá Lý thuộc xóm Tre, xã Văn Nghĩa, hang Chùa Khộp thuộc xóm Đá, xã Yên Phú, hang Đá Mụ thuộc xóm Cáo, xã Quý Hòa...

Đặc biệt, vùng đất cổ Mường Vang có văn hóa đặc sắc gắn liền với lễ hội đình Cổi, các nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa cách mạng tiêu biểu. Trong đó, đáng kể có chiến khu Mường Khói tại xóm Re, xã Ân Nghĩa được xếp hạng di tích cấp quốc gia; Đài tưởng niệm các liệt sỹ Tây Tiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Một số di tích khác như đền Cây Đa tại xóm Nghĩa, thị trấn Vụ Bản, hang xóm Trại tại xóm Trại, xã Tân Lập, Mái đá Làng Vành, hang Khụ Đúng, đình Cổi - xã Vũ Bình, đền Băng - xã Ngọc Lâu. Các lễ hội chiêng Mường của Mường Vang, Mường Vó, lễ hội xuống đồng tại xã Yên Phú, lễ hội Đu Vôi tại thị trấn Vụ Bản, lễ hội rước Bụt Khụ Đúng tại xã Nhân Nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Cảnh quan thiên nhiên núi đồi kết hợp sinh thái hồ nước, khí hậu ôn hòa, hệ thống danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa Mường Vang là những tiềm năng nổi bật để phát triển du lịch địa phương. Huyện tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, tạo tiền đề về hạ tầng phát triển du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa Mường, các điểm nghỉ dưỡng. Thực hiện liên kết phát triển tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch của huyện Kim Bôi, Mai Châu, các huyện thuộc tỉnh lân cận như Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Huyện phấn đấu đến năm 2020 đón 3.000 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110.000 lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 42 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động trực tiếp.

       

Bùi Minh

Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục