(HBĐT) - Hoạt động du lịch, làng nghề của huyện Mai Châu đang trải qua quãng thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều hộ làm du lịch, nghề truyền thống trong tình cảnh lao đao, công việc phập phù, kéo theo nguồn thu nhập không ổn định.


Trong thời gian tạm dừng hoạt động, các hộ làm du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) cải tạo cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc kinh doanh trở lại.

Đìu hiu bản du lịch cộng đồng

Bản Lác, xã Chiềng Châu được biết đến là một trong những bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) có tiếng, lâu đời. Có những ngày vào mùa du lịch, bản đón trên, dưới 1.500 lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, thăm quan. Theo trưởng bản Hà Công Hồng, đó là khi chưa có làn sóng dịch Covid-19. Giờ đây, bãi đỗ xe dành cho các đoàn khách du lịch vắng tanh. Không còn cảnh rộn ràng xe điện chở khách đi dạo quanh đường làng, ngõ xóm. Dịch vụ cho khách thuê xe đạp đi lòng vòng thăm ruộng đồng, thăm bản giờ im lìm. Cũng vì không có khách nên khung cửi dệt bỏ không, hàng quán, dịch vụ đều đóng cửa.

Sở hữu nhà nghỉ cộng đồng số 10 ở bản Lác, ông Hà Công Tấn đã tạm dừng việc đón khách từ những ngày đầu tháng 5. Ông Tấn cho biết: Các hộ kinh doanh nhà nghỉ DLCĐ đã dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Cùng với đó, nhiều hộ gặp khó khăn do ngành nghề mang lại việc làm, thu nhập chính phải tạm đóng cửa. Hiện nay, để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, một số hộ đang sửa sang cơ sở vật chất lưu trú. Gia đình tôi đang cải tạo, nới thêm 1 gian phòng nghỉ và nhà bếp để chuẩn bị đón khách.

Cùng thời gian này, các bản DLCĐ nổi tiếng trên địa bàn huyện như bản Bước - xã Xăm Khòe, bản Nà Phòn - xã Nà Phòn, bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, bản Hang Kia - xã Hang Kia, bản Pà Cò - xã Pà Cò… cũng dừng hoạt động để PCD Covid-19. 6 tháng đầu năm, huyện đón trên 268.000 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa. Với xu hướng lựa chọn những điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái, ít tập trung đông người, lượng du khách lưu trú tại các bản DLCĐ giảm, lưu trú nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái tăng. Để vượt qua khó khăn do việc kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, các hộ làm DLCĐ duy trì nghề làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Một số con em có sức khỏe đi làm phụ xây, hoặc công nhân cho các nhà máy gần nhà.

Làng nghề truyền thống gặp khó

Đang có nguồn thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng, các chị em tổ may của HTX dệt thổ cẩm dịch vụ và du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu bỗng rơi vào tình cảnh mất việc làm. Để duy trì cuộc sống, một số chị phải tạm thời tìm việc tại các nhà may trên thị trấn, có chị đi làm cho công ty thuộc cụm công nghiệp Chiềng Châu nhưng công việc lúc có, lúc không.

Chị Vì Thị Oanh, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm dịch vụ và du lịch Chiềng Châu chia sẻ: Làng nghề gắn với du lịch của chúng tôi đã từng phát triển ổn định, nhận được nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước. Riêng HTX tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và khoảng 50 lao động nông nhàn. Từ cuối năm 2020 trở lại đây, HTX không còn đơn hàng nước ngoài, khách hàng đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng thông báo không nhập hàng do thị trường du lịch đóng cửa. HTX chỉ còn 1 đơn hàng dệt vải may giầy xuất khẩu từ tỉnh Đồng Nai, nhưng lượng hàng không đều và tồn đọng khá nhiều. Trước đây, ngoài các đơn hàng, HTX còn tham gia thị trường bán lẻ cho khách ở các hội chợ, chương trình kích cầu du lịch tại các tỉnh. Tuy nhiên, kênh tiêu thụ này hiện cũng đã đóng băng. Hồi đầu năm, HTX có nhận đơn hàng may đồ tang bằng vải trắng để tạo việc làm cho một số chị em nhưng công việc này cũng không còn được duy trì.

Trên địa bàn huyện có 7 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, người Mông. Ngoài HTX dệt thổ cẩm dịch vụ và du lịch Chiềng Châu còn có HTX dịch vụ phát triển nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại du lịch Xăm Khòe, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch xóm Lác, HTX vận tải và dịch vụ xóm Lác, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ bản Lác Mai Châu, HTX dịch vụ nông nghiệp và du lịch sinh thái Thành Sơn, HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia. Riêng HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ bản Lác Mai Châu đã giải thể. Các HTX còn lại hoạt động cầm chừng.

Theo đồng chí Hà Thị Liễu, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, để đảm bảo an toàn PCD Covid-19, tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn huyện đã tạm dừng hoạt động. Ước có khoảng 1.200 lao động đang làm việc tại các nhà nghỉ, cơ sở hoạt động DLCĐ và làng nghề bị ảnh hưởng về lao động, việc làm. Bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19, các xã, thị trấn tuyên truyền, động viên các hộ tranh thủ lúc này để cải thiện, nâng cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp đối tượng lao động trong diện được tiếp cận gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong đó có doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch vượt khó.


Bùi Minh

Các tin khác


Hấp dẫn điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi

(HBĐT) - Nằm trong khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) là một trong những điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) được đưa vào khai thác chưa lâu. Nhờ giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ mà nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách.

Sự lựa chọn nghiệt ngã của tự nhiên

(HBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Phần lớn các công ty hiện đang chìm trong khó khăn do các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa kéo dài làm sản xuất, kinh doanh đình trệ, chi phí tăng cao, thị phần thu hẹp, doanh thu sụt giảm, nguy cơ mất cân đối dòng tiền và dẫn đến phá sản. Theo số liệu công bố của Tổng Cục thống kê, hết 7 tháng năm 2021 có gần 79.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, vẫn có những đơn vị với chiến lược đúng, nỗ lực vượt bậc, không những chống chọi thành công mà còn vững bước trong đại dịch. Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán ASM) là một trong số đó.

Yêu cầu khẩn trương triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Ngày 9/8, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 1066/TCDL-LH gửi cơ quan quản lý du lịch các địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai hoạt động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Mỹ miều thác Trăng

(HBĐT) - Không khí trong lành, mát mẻ, không gian tĩnh lặng, cảnh vật hoang sơ… đẹp đến nao lòng! Đó là cảm nhận của riêng tôi trong lần đầu được khám phá thác Trăng, thuộc xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) - một trong những dòng thác đẹp nhất của tỉnh. Bởi vậy, dẫu đã có hơn 3 lần trở lại, thác Trăng trong tôi vẫn dạt dào một miền nhớ.

Tạo điều kiện tối đa cho hướng dẫn viên nhận hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đang được các địa phương triển khai hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn, trong đó có nhóm đối tượng hướng dẫn viên (HDV). Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã có cuộc trao đổi về thủ tục để HDV nhận hỗ trợ này.

Bản du lịch ảm đạm thời điểm dịch Covid-19

(HBĐT) - Đang trên đà trở thành điểm du lịch hút khách, thế nhưng về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) những ngày này chỉ thấy một màu ảm đạm. 5 năm trước, việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã mở ra hướng đi đầy hứa hẹn đối với bản Dao này. Còn 2 năm nay, những "người ở rừng” chỉ biết thở dài vì... Covid.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục