Người dân và du khách tham gia sự kiện khai trương tour du lịch xanh tại bản du lịch cộng xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) cuối tháng 4 vừa qua.
Tân Lạc là vùng đất tiềm năng, giàu truyền thống lịch sử, là vùng lõi của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Hơn thế, Tân Lạc có vị trí địa lý thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km, là điểm cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Nơi đây sở hữu 19 danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ, kho tàng văn hóa dân tộc Mường đặc sắc. Nếu trước đây du khách muốn thực hiện chuyến du lịch tới Tân Lạc chỉ có thể chọn đi vào dịp đầu xuân, trong những ngày diễn ra lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đánh bắt cá suối Lỗ Sơn, lễ hội chùa Kè… thì nay du khách có thể đến Mường Bi trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Bởi những năm gần đây, huyện tập trung cho việc tạo đà để du lịch cất cánh. Theo đó, huyện tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH - TT huyện cho biết: Bước đầu huyện đã hình thành những xóm, bản DLCĐ như xóm Lũy Ải - xã Phong Phú, xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường, với hơn 10 hộ kinh doanh nhà nghỉ homestay. Trong đó, xóm Lũy Ải - xã Phong Phú còn lưu giữ hơn 50 nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nằm ven sườn đồi, gò đồi nhỏ và khối di sản văn hóa vật thể, phi vật thể lớn, được Bộ VH-TT&DL công nhận là 1 trong 20 xóm, làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người trên toàn quốc, đã được đầu tư bài bản để trở thành điểm du lịch chính nằm trong tuyến du lịch quốc lộ 6, tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc. Hiện tại, huyện cũng đã đưa vào tầm ngắm một số địa danh có nhiều tiềm năng như xóm Chiềng, Tớn Trong, Lự - xã Vân Sơn, xóm Bắc Thung - xã Quyết Chiến, xóm Trăng Tà - xã Nhân Mỹ, xóm Thăm - xã Suối Hoa để phát triển thành những điểm DLCĐ. Đến với những điểm DLCĐ du khách sẽ nghỉ tại nhà dân, trải nghiệm cuộc sống của người bản địa, tham gia các lễ hội văn hóa dân gian, tìm hiểu về văn hóa truyền thống địa phương. Tham gia các công việc của nhà nông như đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch nông sản theo mùa. Trecking tìm hiểu, khám phá hệ sinh thái. Đi bộ hoặc đi xe đạp quanh xóm, bản, thăm quan thác nước, cảnh quan xóm làng, ruộng đồng... Còn để tìm hiểu các tầng văn hóa du khách có thể đến với động Thác Bờ, động Hoa Tiên, động Nam Sơn, hang Muối đã được công nhận di tích cấp quốc gia và một số di tích cấp tỉnh như hang Núi Kiến, núi Cột Cờ, thắng cảnh thác Trăng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông…
Nếu du khách muốn có những trải nghiệm mới mẻ có thể đến với cụm du lịch văn hóa cộng đồng tại bản Ngòi - xã Suối Hoa. Nơi đây đã có 7 nhà sàn đạt chuẩn để đón khách, đã đưa vào hoạt động các hạng mục công viên nước nổi với nhiều trò chơi dưới nước và nhà hàng nổi. Cuối tháng 4 vừa qua, khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tạm lắng, Công ty CP du lịch Hòa Bình đã tổ chức chương trình: Khai trương hè năm 2021 "Tour du lịch xanh tại bản văn hóa cộng đồng dân tộc Mường - Ngòi Hoa và trải nghiệm các trò chơi dưới nước”. Trong ngày khai trương tour du lịch xanh, du khách được tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng với các voucher dành tặng khách hàng sử dụng; tham gia và cổ vũ cuộc thi đua thuyền của các hộ làm homestay bản Ngòi; trải nghiệm những trò chơi dưới nước, thăm quan tuyến điểm du lịch và các hộ homestay tại bản Ngòi... hết sức hấp dẫn.
Với sự quyết chí, đồng lòng từ cấp ủy Đảng, chính quyền tới người dân trong việc biến những tiềm năng sẵn có thành sản phẩm du lịch, huyện Tân Lạc đã tạo được điểm nhấn, sức hút mang tên du lịch Mường Bi.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)