(HBĐT) - Những ngày tháng Giêng, du khách từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nô nức hành hương, chiếm bái tại đền bà Chúa Thác Bờ, thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Trong trạng thái bình thường mới, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này là điểm đến thu hút khách trên khu du lịch hồ Hòa Bình.


Du khách hành hương, vãn cảnh tại điểm đến du lịch tâm linh đền bà Chúa Thác Bờ.

Tương truyền, đền bà Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà (không rõ tên) người dân tộc Dao. Dước thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng. Nhân dân biết ơn nên lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước.

Được xây dựng theo thế nhìn sông, tựa núi với phong cảnh hữu tình, khu di tích đền Thác Bờ được chia làm 2 khu vực, đền bà Chúa Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xã Vầy Nưa và đền Thác Bờ phía hữu ngạn nằm ở chân Thác Bờ, ngay cạnh sông Đà. Trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại, đền vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng. Đền phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu. Đền phía hữu ngạn gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Tầng 1 làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hương, tầng 2 là nơi thờ tự các vị thần linh. Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà…

Nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và danh thắng động Thác Bờ, đền bà Chúa Thác Bờ thuộc top các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Hàng năm, đền không chỉ đón khách hành hương đến xin lộc chúa bà mà còn đón nhiều khách du lịch tới thăm quan, ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành. Lễ hội đền diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, từ những ngày tháng Chạp của năm cũ, nơi đây đã có rất đông khách về lễ tạ. Để đến đền, người đi lễ hay du khách phải đi 2 chặng, sau tuyến đường bộ là đến chặng đường sông với 3 tuyến đường chính: từ cảng du lịch Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) là cảng gần đền nhất với thời gian di chuyển bằng thuyền máy khoảng 15 phút; từ cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đến đền với thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi; từ bến nước xã Bình Thanh (Cao Phong) đến đền chừng 45 phút.

Để lên lịch cho một chuyến du xuân, hành hương, vãn cảnh tại đền bà Chúa Thác Bờ, du khách có thể tham khảo một số thông tin hữu ích: Nếu đi lễ thì dừng chân ở đền Trình trước để trình tên họ trước cửa cha, cửa mẹ. Các thứ lễ tại đây cũng gần tương tự như lễ tại đền chính. Sau đó đi thuyền khoảng 15 phút đến đền chính. Tại đây thường diễn ra các hoạt động tế lễ và hầu đồng. Nếu là du khách nên đăng ký tour và đi theo tour hướng dẫn của công ty du lịch. Theo đó, được hướng dẫn, thăm quan các địa điểm du lịch nằm trong chuỗi danh thắng. Ngoài thăm quan 2 ngôi đền thờ Chúa Thác Bờ, du khách được thăm quan động Thác Bờ rộng lớn và tuyệt đẹp. Càng tuyệt vời hơn là sau chuyến thăm quan, du khách được thưởng thức những món đặc sản vùng sông nước sông Đà vô cùng tươi ngon, hấp dẫn.

Bùi Minh


Các tin khác


Triển khai công tác phát triển du lịch năm 2022

(HBĐT) - Ngày 22/2, Ban chỉ đạo du lịch tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phát triển du lịch năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Khởi sắc du lịch đầu năm

(HBĐT) - Ngành du lịch tỉnh cũng như cả nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Có những thời điểm, để phòng, chống dịch bệnh, các tuyến, điểm du lịch phải đóng cửa, người lao động mất việc làm, đơn vị, doanh nghiệp lao đao. Kể từ khi áp dụng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, lĩnh vực du lịch dần hồi sinh, có tín hiệu tốt trong dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, dự báo cho một năm khởi sắc của ngành du lịch Hòa Bình.

Thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam: Chất lượng dịch vụ và sản phẩm là quan trọng

Ngày 21/2, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin về công tác chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Đánh thức tiềm năng du lịch xã Nhân Mỹ

(HBĐT) - Là một trong những xã trung tâm vùng Mường Bi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có trên 95% người dân tộc Mường sinh sống với nền văn hóa lâu đời hàng nghìn năm. Từ nếp nhà sàn, trang phục dân tộc, ẩm thực và những di tích, danh lam thắng cấp tỉnh... tạo nên điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách gần xa đến thăm quan, khám phá.

Vãn cảnh di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng

(HBĐT) - Đầu năm tôi cùng gia đình du xuân, vãn cảnh đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), được hòa chung niềm tự hào của người dân nơi đây về một di tích quốc gia đặc biệt với bề dày lịch sử lâu đời. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng…

Khám phá “vương quốc hang động”

Bên cạnh Sơn Đoòng - hang động hàng triệu năm tuổi và nổi tiếng lớn nhất thế giới, có hơn 350 hang động khác đã và đang được lập bản đồ ở Quảng Bình. Ẩn giấu trong những cánh rừng mênh mông và dưới lòng đất sâu thẳm là vô vàn điều kỳ thú, thu hút tín đồ du lịch trong và ngoài nước đến với "vương quốc hang động” Quảng Bình. Những ngày đầu năm 2022, một số cơ sở lưu trú đạt công suất phòng trên 90%; tua "Thám hiểm Sơn Đoòng” đã được đặt kín chỗ cả năm 2022...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục