(HBĐT) - Sau nhiều giờ lắc lư như đánh võng, đôi mắt nhắm nghiền lúc tỉnh lúc mơ trên chiếc xe 29 chỗ, đoàn công tác Báo Hòa Bình có mặt tại TP Cao Bằng (Cao Bằng). Tiếp đón chúng tôi là những đồng nghiệp Báo Cao Bằng thân thiện, nhiệt tình. Sau thời gian ngắn trao đổi và chia sẻ về công việc, thăm trụ sở, các bạn đưa chúng tôi khám phá thác Bản Giốc - con thác nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á mà chắc rằng bao người mơ ước được đến một lần. Khung cảnh thác kỳ vĩ hiện ra trước mắt khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi, choáng ngợp trước cảnh thác đổ làm đắm say bao lữ khách.
Dòng suối Lênin phong cảnh hữu tình, nên thơ với làn nước trong xanh giữa muôn vàn sóng gió của thời gian.
Lưu chân khoảng 2 giờ thăm cảnh sắc nơi miền biên viễn, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá và tìm hiểu nơi cội nguồn cách mạng - suối Lênin, thuộc di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách TP Cao Bằng 52 km, cách thác Bản Giốc cả trăm km theo đường biên.
Sau hơn 3 giờ nghiêng ngả uốn lượn theo con đường vùng biên giới, với tâm thế vui vẻ và háo hức, chúng tôi đến nơi Bác Hồ đặt nền móng cách mạng. Trước khung cảnh nên thơ của non nước Cao Bằng bên dòng suối Lênin, trong tôi tràn ngập cảm xúc khó diễn tả. Cảnh sắc thật thơ mộng và yên bình, không khí mát mẻ, dòng suối chưa hề có sự tác động của con người, nước trong và sạch, thật lý tưởng. Sau khi nhận được thông báo của đồng nghiệp Báo Cao Bằng: "Chúng ta phải tranh thủ đi trước khi trời tối bởi có rất nhiều điểm cần thăm quan”. Hít hà không khí trong lành đầy lồng ngực, tôi thấy thật sảng khoái và hăm hở cùng đoàn khám phá hang Cốc Bó. Đi dọc theo con đường bên dòng suối Lênin, chúng tôi cảm nhận được nỗi gian truân, vất vả của Bác những năm tháng hoạt động cách mạng. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao Bằng là nơi Người đặt dấu chân đầu tiên khi trở về, đồng thời lựa chọn là nơi gieo mầm và phát triển phong trào cách mạng. Người đã hôn lên hòn đất quê nhà với bao khát vọng và nhung nhớ.
Con suối thật thơ mộng, khi chúng tôi đến tuy mới có mưa lũ, tiếng nước chảy ầm ào nhưng vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Một đồng nghiệp Báo Cao Bằng chia sẻ: "Do mấy hôm trước mưa lớn nên nước chảy mạnh chứ bình thường suối hiền hòa như cô thôn nữ tuổi đôi mươi, vừa dịu dàng vừa quyến rũ, yên ả và thanh bình làm cho ta như lạc vào chốn thần tiên, có thể quên hết mệt mỏi, lo toan của cuộc sống”. Thế mới thấy thiên nhiên ưu ái với mảnh đất nơi đây và Bác cũng đã chọn mảnh đất này để khởi nguồn cách mạng. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian và chiến tranh, vậy mà cảnh sắc của khu di tích vẫn trường tồn như dáng vẻ vốn có của nó. Vào tận sâu trong hang Cốc Bó - nơi Bác đã từng sống và làm việc, trong tôi trào dâng niềm xúc động, sự bồi hồi, thổn thức. Hang tuy kín đáo và an toàn trước kẻ thù nhưng tối tăm, ẩm thấp. Cũng có thể vì thế mà Bác đã tức cảnh thành thơ: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Rời hang Cốc Bó, chúng tôi đi dọc con suối, qua những địa điểm Bác thường ngồi làm việc, bàn chiến sự, chỗ Bác câu cá khi rảnh rỗi, nơi Bác hay ngồi làm thơ, xuống tắm giặt… Khung cảnh như tái hiện hình ảnh Bác kính yêu những ngày hoạt động cách mạng, cảm nhận tâm hồn cao cả, mênh mông của Người luôn đau đáu khát vọng đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Tạm biệt con suối đã đi vào thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bao nhà thơ, nhà văn. Tạm biệt cảnh đẹp nên thơ của non nước Cao Bằng. Cuộc chia tay dạt dào tình cảm, sự lưu luyến với con người và mảnh đất nơi đây bởi ở đó có thác Bản Giốc kỳ vĩ tung bọt trắng xóa, nơi có suối Lênin hiền hòa chảy, có núi Các Mác sừng sững hiên ngang - nơi Bác đã ươm mầm cách mạng để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày nay. Chuyến đi thật ý nghĩa và tuyệt vời với bao cảm xúc đong đầy trong mỗi chúng tôi.
Thúy Ngọc
Kênh truyền hình CNN International (Mỹ) mong muốn hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam lan tỏa rộng ra thế giới.
Được Bộ Ngoại giao lựa chọn là sản phẩm quảng bá trên nền tảng số trong chương trình "Ngày Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra lần lượt tại Áo, Ấn Độ, Hàn Quốc trong tháng 9, 11, 12/2022, trò chơi điện tử "Lạc Việt phiêu lưu ký” (Lac Viet Adventures) đưa người chơi nhập vai thành du khách để khám phá những địa danh, kho tàng văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
(HBĐT) - Trong hành trình thăm đồng nghiệp Báo Cao Bằng, chúng tôi có dịp thăm thác Bản Giốc nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đây là một điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trải qua quãng đường từ thành phố Cao Bằng đèo dốc quanh co, giữa bốn bể rừng núi, mây trời Đông Bắc, thác Bản Giốc sừng sững hiện ra như dải lụa trắng tinh giữa bức tranh thiên nhiên đẹp như miền cổ tích khiến những mệt mỏi của chúng tôi dường như tan biến hết.
(HBĐT) - Sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, 3 xã vùng cao: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông (Tân Lạc) đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Mới đây, tỉnh đã ban hành nghị quyết, đồng thời định hướng xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(HBĐT) - Những ngôi nhà trệt truyền thống náu mình giữa những tán cây cổ thụ. Bên trong ngôi nhà là không gian sinh sống vẫn còn nhiều thứ vẹn nguyên của đồng bào Dao từ xa xưa. Sự mộc mạc, hoang sơ là những yếu tố để xóm Sưng thu hút du khách trong và ngoài nước.
(HBĐT) - Đó là những giá trị văn hoá giàu bản sắc đang được đồng bào dân tộc Mông ở xã Pà Cò (Mai Châu) bảo tồn và phát huy. Từ năm 2018 đến nay, Pà Cò trở thành một trong những điểm đến du lịch sôi động, thu hút được đông đảo khách trong nước, quốc tế nhờ các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.