Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2022 đạt trên 707.000 lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước.
Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; khách đến bằng đường bộ chiếm 10,4% và bằng đường biển chiếm 0,1%.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Năm 2023, toàn ngành tập trung vào việc công bố "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt.
Trước mắt, Tổng cục Du lịch chuẩn bị tốt cho Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào Quý 1/2023; Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Vương quốc Anh. Tổng cục Du lịch cũng tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.
Đồng thời, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Theo Tổng cục Du lịch: Năm 2022, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành bắt đầu quay lại thị trường… Lượng khách nội địa ước đạt trên 101 triệu lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so với năm 2019.
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2022 tăng cao so với năm trước như: Cần Thơ gấp 10,3 lần; Bình Định gấp 9,3 lần; Khánh Hòa gấp 8,2 lần; Thừa Thiên - Huế gấp 8 lần; Đà Nẵng gấp 6,7 lần; Hà Nội gấp 4,1 lần; Hải Phòng gấp 3,8 lần; Thành phố Hồ Chí Minh gấp 1,9 lần…
Theo Baotintuc.vn
(HBĐT) - Chiều 22/12, UBND huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác lễ hội, du lịch năm 2022, triển khai công tác lễ hội, du lịch năm 2023.
Sáng 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần quyết tâm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; phát triển du lịch Việt Nam dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống đặc sắc; tích cực ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào du lịch.
Sau hơn hai năm ngưng trệ do dịch Covid-19, năm 2022, du lịch Việt Nam trở lại rất ấn tượng, với 96,3 triệu lượt khách du lịch nội địa sau 11 tháng, vượt xa mọi dự báo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2023 và vài năm tiếp theo để có thể đạt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào năm 2025.
(HBĐT) - Nhắc đến Kim Bôi, nhiều người nhớ đến ngay đó là nơi có nguồn nước khoáng nóng dồi dào, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ của cư dân Mường Động xưa. Nhiều năm qua, huyện Kim Bôi đã nỗ lực biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển du lịch. Hiện tại, huyện rút ngắn lộ trình xây dựng một "thiên đường” nghỉ dưỡng và trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa để níu chân du khách.
Ðại dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều thành quả tăng trưởng của dịch vụ hàng không, du lịch khiến mức đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ còn khoảng 2,1% so với khoảng 10% của những năm trước. Khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng bền vững.
(HBĐT) - Xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) thu hút du khách bốn phương, đặc biệt là khách quốc tế không chỉ bởi thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà còn bởi bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Dao được bảo tồn gần như nguyên vẹn.