(HBĐT) - Không đơn thuần là nơi trao đổi, mua sắm hàng hoá, chợ phiên còn là điểm hẹn giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần. Nếu có dịp đến với Hoà Bình - điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá du lịch vùng Tây Bắc, đặc biệt trong những chuyến ngao du dịp Tết, du khách nhớ ghé thăm những phiên chợ vùng cao đặc sắc trải khắp vùng quê để cảm nhận và "bỏ túi” nhiều trải nghiệm.
Du khách hào hứng tham gia các trò chơi dân gian và trải nghiệm nét đẹp văn hoá phiên chợ vùng cao huyện Mai Châu.
Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
Đã thành thông lệ, đúng vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò, Lũng Vân, nay thuộc xã Vân Sơn (Tân Lạc) lại tới phiên. Cũng ấn định họp ngày đó nhưng phiên chợ Tết khác với ngày thường là chợ mở từ tờ mờ sáng, không khí đông vui, tấp nập hơn và kéo dài mãi đến khi cả khu chợ đã giăng đèn. Đến với phiên chợ, du khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú dong ruổi trên những cung đường vùng cao ngoằn ngoèo, ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng, nhà sàn Mường, check in bên những thửa ruộng bậc thang và lắng nghe âm thanh róc rách của những thác nước.
Điểm chợ Bò nằm ngay trung tâm xã, thuận lợi cho Nhân dân các dân tộc từ các vùng mường xuống, có bố trí chỗ gửi xe để tránh tình trạng xe máy, xe ô tô dừng đỗ tràn đường. Trong chuyến trải nghiệm chợ Tết xứ "thung mây”, chúng tôi nghe chị Bùi Thị Hiền, xóm Chiến chia sẻ: Đối với bà con vùng cao, phiên chợ Tết là mong chờ, niềm háo hức của cả một năm nên dù bận rộn đến mấy, các gia đình cũng gác mọi công việc, sắm sửa về chợ. Vậy nên, chợ không chỉ là nơi mua sắm hàng hoá chuẩn bị đón Tết mà còn là nơi người dân đi chơi với tâm thế hồ hởi, thong dong.
Phiên chợ Tết xã Vân Sơn (Tân Lạc) vẫn bảo tồn nét đẹp văn hoá vùng cao.
Cũng như phiên chợ vùng cao huyện Tân Lạc, trên địa bàn tỉnh có nhiều chợ phiên họp vào thời điểm Tết mang hơi thở vùng cao, nét độc đáo của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, như: huyện Đà Bắc có chợ Cao Sơn - xã Cao Sơn, chợ Tân Minh - xã Tân Minh, chợ Pheo - xã Tân Pheo, chợ Mường Chiềng - xã Mường Chiềng. Huyện Lạc Sơn có chợ Vó - xã Nhân Nghĩa, chợ Ngọc Sơn - xã Ngọc Sơn, chợ Tân Lập - xã Tân Lập, chợ Vũ Bình - xã Vũ Bình. Huyện Mai Châu có chợ Xăm Khoè - xã Xăm Khoè, chợ Pà Cò - xã Pà Cò. Huyện Cao Phong có chợ phiên xã Dũng Phong. Huyện Kim Bôi có chợ Bãi Chạo - xã Tú Sơn…
Anh Nguyễn Hoàng Hải, du khách Hà Nội cho biết: Tôi đã cùng bạn bè khám phá chợ phiên Pà Cò đúng vào dịp Tết. Chợ rất đông, đặc biệt là giữ được bản sắc. Khi chúng tôi đến đây cảm nhận được những sắc thái riêng của vùng cao, bà con người Mông ai nấy đều diện trang phục truyền thống, nét mặt vui tươi, phấn khởi. Những người bán hàng rất xởi lởi, thành ý, trả lời mọi câu hỏi của du khách tìm hiểu về phong tục, tập quán, nét văn hoá bản địa. Hàng hoá phiên chợ Tết càng phong phú với đầy đủ đồ dùng thiết yếu, nông sản địa phương. Nhộn nhịp, đông vui nhất là các gian hàng bán váy áo và nguyên liệu thổ cẩm.
Chị Lê Hải Hậu, du khách thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tôi từng trải nghiệm phiên chợ vùng cao Ngọc Sơn, xã Ngọc Sơn vào dịp cuối tuần. Có nhiều điều thú vị mà tôi tích luỹ được sau chuyến đi, đó là bà con vùng Mường vẫn giữ được nét đẹp trang phục của dân tộc mình, có ý thức giữ gìn chiêng quý, tình cảm thân thiện, mến khách…
Giới thiệu, quảng bá nét đẹp phiên chợ vùng cao
Thời gian gần đây, các phiên chợ vùng cao trong tỉnh được du khách trong nước, quốc tế quan tâm khám phá và trở thành sản phẩm du lịch giàu sức hút. Một số điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) như: 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); các xã Cao Sơn, Hiền Lương, Tiền Phong (Đà Bắc); xã Vân Sơn (Tân Lạc), các xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do (Lạc Sơn) đã xây dựng các tour trải nghiệm, trong đó có các điểm đến phiên chợ vùng cao. Theo anh Phàng A Páo, hộ làm DLCĐ xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, đồng bào người Mông muốn giới thiệu với du khách về bản sắc chợ phiên của dân tộc mình và rất vui khi du khách đến đây đều hài lòng vào háo hức trải nghiệm không khí chợ.
Hiện nay, các hoạt động văn hoá, du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều sự kiện văn hoá của tỉnh đã diễn ra trong thời gian qua. Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2022 tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh chào mừng Đại hội TDTT Đông Nam Á (SEA games 31) đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong, ngoài tỉnh và du khách đến từ các nước trong khu vực thăm quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách hoà vào không gian lễ hội văn hoá đặc sắc của chợ phiên với các trò chơi, thể thao, giải trí mang đậm yếu tố truyền thống, như: ném còn, đánh đu, bắn nỏ, giao lưu múa sạp, múa xoè; các điểm làng văn hoá, làng vui chơi, làng ẩm thực; thăm quan, mua sắm tại "Chợ quê vùng cao”.
Các chợ phiên trong toàn tỉnh hoạt động đều đặn, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giao thương hàng hoá và nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Đáng chú ý, "Phiên chợ vùng cao huyện Mai Châu” vào các ngày Chủ nhật hàng tuần với các sản phẩm hàng hoá vùng miền đa dạng, chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ dân tộc tạo điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách đến khám phá. Đồng thời, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, những nét đẹp phong tục tập quán, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao. "Phiên chợ giao lưu văn hoá dân tộc Mông, xã Pà Cò” vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần đi vào hoạt động mới đây đã tạo sức hút cho DLCĐ ở xã Pà Cò. Bình quân mỗi phiên chợ thu hút trên, dưới 3.000 du khách. Riêng phiên chợ vào các dịp lễ, Tết thu hút trên 5.000 lượt khách.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh luôn quan tâm khôi phục, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các phiên chợ vùng cao. Việc tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc của chợ phiên được gắn với các sự kiện diễn ra tại tỉnh và các địa phương, tạo không khí lễ hội và đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch. Qua những chương trình được tổ chức quy mô, ấn tượng, nét văn hoá, sinh hoạt chợ phiên của đồng bào vùng cao, những thế mạnh về bản sắc văn hoá, phong tục, tập quán, ẩm thực, các sản phẩm của tỉnh được quảng bá rộng khắp, góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch, lan toả nét đẹp văn hoá, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trên hành trình khám phá miền đất.
Bùi Minh
Người Hàn Quốc gia tăng đi du lịch nước ngoài sau khi các biện pháp phòng dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Theo TTXVN, kết quả phân tích dữ liệu của các hoạt động liên quan đến du lịch nước ngoài trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 15/5 vừa qua do Công ty KB Kookmin Card công bố cho thấy, doanh thu của các ngành liên quan đến du lịch nước ngoài như đại lý du lịch, hàng không, cửa hàng miễn thuế lần lượt tăng 409%, 150% và 88% so với cùng kỳ năm 2022.
5 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam ước đạt phục vụ gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt gần 57,5% mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế cả năm 2023. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 1,3 triệu lượt người.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của nước ta cần được ưu tiên phát triển. Trên thực tế, đây cũng là "thỏi nam châm” thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực dồi dào của du lịch biển, đảo, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.
Tối 27/5, tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã diễn ra lễ khai mạc ngày hội du lịch văn hóa tỉnh Sơn La "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.
(HBĐT) - Là điểm vùng cao nhất của huyện Lạc Sơn, xã Tự Do đã và đang dựa vào lợi thế thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Nhiều du khách yêu thích đến đây tham quan, nghỉ dưỡng, tận hưởng khí hậu ôn hòa, khám phá cảnh quan hoang sơ và bản sắc văn hoá của vùng đất, con người.
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Đà Bắc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, tăng cường quảng bá và triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch...