Huyện Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái. Mỗi dân tộc có nét độc đáo riêng về bản sắc văn hóa, tạo nên những bản làng bình yên, tươi đẹp. Bên cạnh đó, huyện có hàng trăm km bờ hồ sông Đà, nhiều đảo nổi, bán đảo và các vịnh với cảnh quan kỳ thú. Nơi đây nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ).


Du khách tìm hiểu, trải nghiệm nghề truyền thống ở điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc). 



Vẻ đẹp điểm du lịch cộng đồng xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) bên hồ Hòa Bình.



Các homestay ở điểm du lịch cộng đồng xóm Đoàn Kết, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn để đón khách du lịch.


Đến với DLCĐ Đà Bắc, du khách có thể tham quan và nghỉ tại điểm DLCĐ xóm Ké nằm trong vịnh Hiền Lương (thuộc xã Hiền Lương), một nhánh của hồ Hòa Bình. Cách thị trấn Đà Bắc hơn 12 km, xóm Ké là nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mường. Du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Mường cùng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng; được tham gia hoạt động thú vị như đi bè mảng, chèo thuyền kayak, thưởng thức các món ăn mang hương vị núi rừng...

Cách trung tâm huyện chừng 38 km là xóm Đức Phong (trước đây gọi là Đá Bia), xã Tiền Phong - địa điểm dành cho những du khách muốn thư giãn, khám phá cuộc sống của đồng bào vùng cao người Mường Ao Tá. Điểm DLCĐ này hội tụ đầy đủ yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc. Du khách sẽ có những trải nghiệm ấn tượng như đi bộ thăm bản, ăn nghỉ tại nhà dân, xem biểu diễn văn nghệ, mua các sản phẩm địa phương tại quán tự giác (phương thức bán hàng không có người bán, khách chọn hàng và tự trả tiền để vào nơi chỉ dẫn), khám phá hang động, lớp học cộng đồng, làng nghề truyền thống... Với chất lượng dịch vụ tốt do người dân địa phương cung cấp, điểm du lịch này đã vinh dự nhận giải thưởng "Du lịch cộng đồng ASEAN” được trao tại Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) năm 2019.

Xóm Đoàn Kết (trước đây là xóm Mó Hém), xã Tiền Phong có 28 hộ dân tộc Mường sinh sống bên bờ hồ Hòa Bình. Xóm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là sự kết hợp hoàn hảo giữa mây trời, núi rừng, hồ nước và bản làng sinh sống của người dân. Nơi đây có nhiều tiềm năng đang chờ các nhà đầu tư phát triển các loại hình DLCĐ gắn với nghỉ dưỡng sinh thái.

Đến với DLCĐ Đà Bắc, du khách khó lòng bỏ qua điểm DLCĐ xóm Sưng, một bản được nhiều du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm. Đây là địa bàn sinh sống của người dân tộc Dao Tiền thuộc xã Cao Sơn. Xóm nằm ở độ cao khoảng 530m so với mực nước biển, phía sau là dãy núi Biều hùng vĩ, phía trước là cánh đồng, ruộng bậc thang uốn lượn trải dài theo sườn đồi tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Nơi đây còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền. Các hộ kinh doanh du lịch tại xóm Sưng hiện đang phục vụ du khách các dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Dao, như: gà đồi, cá suối, măng rừng, rượu hoẵng, thịt chua...; trải nghiệm các hoạt động đời sống thường ngày của người dân như cấy lúa, trồng rừng, chăn nuôi, nấu cơm, đánh cá...

Theo bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phẩn DLCĐ Đà Bắc (Đà Bắc CBT), hiện có 3 xóm, bản trên địa bàn huyện phát triển loại hình DLCĐ với 13 hộ làm homestay, thu hút trên 180 thành viên của 142 hộ tham gia vào các tổ, nhóm cung cấp dịch vụ DLCĐ. Sau 8 năm hình thành và phát triển, với sự hỗ trợ của Quỹ Austraylia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) tại Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, quảng bá và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người dân địa phương, DLCĐ huyện Đà Bắc đã, đang có bước phát triển nhanh, bền vững, là điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước, quốc tế.

Cũng với sự hỗ trợ của Đà Bắc CBT trong đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa khách hàng tiềm năng, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp xã hội khác, cộng đồng các xóm, bản du lịch trên địa bàn huyện Đà Bắc có nguồn khách đến ổn định, yên tâm phát triển DLCĐ theo hướng xanh, bền vững.


Bùi Minh

Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục